Do mới hoạt động trở lại, hầu hết các cơ sở lưu trú tại thành phố Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn nên chỉ duy trì từ 40% - 60% nhân sự. Để đáp ứng nhu cầu khách tăng đột biến vào dịp lễ vừa qua, các khách sạn phải chọn giải pháp tình thế là thuê sinh viên ngành du lịch làm thời vụ, tính lương theo giờ. Hết lễ, các cơ sở lưu trú chỉ duy trì một số lao động ở những bộ phận chính để khi có khách đặt phòng thì mở cửa phục vụ, giữ chân người lao động. Trong khi đó, cũng có nhiều khách sạn đang hoạt động hiệu quả nhờ đón được những đoàn khách hội nghị, hội thảo thì lại khó tuyển dụng nhân sự.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc điều hành khách sạn Biển Vàng, thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay việc tuyển lễ tân, nhân viên buồng phòng và bán hàng rất khó, gần như không có người dự tuyển: “Tháng 2, tháng 3 vừa qua đã mở cửa khách sạn nhưng tuyển không được người, tới tận tháng 5 này mới tuyển được sơ sơ nhân viên. Những nhân viên có kinh nghiệm, giỏi nghề họ không thích làm cơ hữu cho một khách sạn nào nữa. Vì họ thấy việc đi làm thời vụ lương cao hơn, không nhất thiết phải làm 8 tiếng mà cứ xong việc là được về”.

Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều lao động ngành du lịch chuyển việc, nghỉ việc. Những lao động có kinh nghiệm, kỹ năng tốt khi phải nghỉ việc do dịch thì 2 năm qua lại đang dần ổn định với một công việc mới. Nếu quay trở về công việc cũ, mức lương hiện tại cũng không đủ hấp dẫn bằng công việc họ đang làm nên cũng không mặn mà.

Chị Cẩm Nhung - nhân viên bộ phận lễ tân khách sạn Tây Bắc, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay vật giá đều tăng nhưng mức lương thì vẫn như vậy, cho nên nhiều người không muốn gắn bó nữa. Dịch bệnh bây giờ cũng chưa biết khi nào mới hết, nên họ cũng phải chọn giải pháp an toàn với công việc trước khi du lịch thực sự quay trở lại”.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố Đà Nẵng dựa vào thị trường khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Hầu như khối khách sạn ven biển Đà Nẵng lúc nào cũng tấp nập du khách từ 2 thị trường này. Hiện nay Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách nghiêm ngặt, còn Hàn Quốc dù đã cho phép người dân đi du lịch nhưng lại chưa đến Việt Nam nhiều. Các thị trường khách quốc tế khác vẫn còn vắng lặng. Khách nội địa đã đông hơn nhưng mức lợi nhuận thấp. Để cạnh tranh, nhiều chủ khách sạn phải hạ giá phòng nghỉ, đồng nghĩa với việc không đủ bù chi phí vận hành và trả lương nhân viên.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm 42.000 lao động du lịch ở thành phố biển Đà Nẵng mất việc làm. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 50%, thậm chí đến 80%. Trước bài toán nhân lực du lịch sau dịch, chính quyền Đà Nẵng cũng đã có nhiều chính sách tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cho lao động ngành du lịch, qua đó hy vọng có thể giữ chân được nguồn lao động khi ngành du lịch phục hồi.

Thành phố Đà Nẵng đang tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng miễn phí cho doanh nghiệp du lịch về chuyển đổi số, thay đổi tư duy trong hoạt động kinh doanh du lịch, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, cho doanh nghiệp du lịch và cả công tác đào tạo. Việc phục hồi du lịch và bổ sung nhân lực của ngành đều cần nhiều thời gian.

“Hiện tại, các khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mới mở cửa hoạt động hơn 60%. Nếu mở hết thì sẽ chứng kiến một sự thiếu hụt về nhân sự rất lớn. Hiện tại chúng ta chưa thiếu về số lượng nhưng thiếu về chất lượng nhân sự. Vì vậy, câu chuyện đào tạo lại nhân lực, đặc biệt là kỹ năng mềm, kỹ năng mến khách, tiếp đón khách, hành vi ứng xử với khách là vô cùng quan trọng” - ông Nguyễn Đức Quỳnh nói./.

Lỗ hổng lớn về nhân lực du lịch

VOV.VN - Rất nhiều cơ sở lưu trú và đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ tại Hà Nội, Phú Quốc, Đà Lạt, Bình Thuận, Đà Nẵng… đang tuyển dụng từ nhân viên đến quản lý cấp cao, trong đó có cả người Tổng quản lý (GM) – vị trí quan trọng nhất của một khách sạn.