Có lẽ chưa bao giờ ngành Du lịch Việt Nam lại phải đương đầu với nhiều khó khăn như những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong ba tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 2 triệu lượt người, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách tháng 3 giảm kỷ lục trên 23,4% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều bộ ngành địa phương để cùng tìm giải pháp tháo gỡ. Một trong những vấn đề mà Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch đề xuất bao gồm cả giải pháp miễn visa cho khách du lịch ở các thị trường trọng điểm.
Tuy nhiên, không nên coi miễn visa là một giải pháp cứu cánh cho ngành du lịch và việc miễn này cũng cần phải có lộ trình và được cân nhắc kỹ càng. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí ngày 12/6.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam |
PV: Thưa Thứ trưởng, gần đây, trước những thông tin về việc khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng đầu năm 2015, dư luận cho rằng đó là do độ mở trong hệ thống visa của Việt Nam còn thấp. Ông nghĩ sao về luồng dư luận này?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Đúng là có mối lo ngại trong các cơ quan quản lý nhà nước mà dư luận đã đưa là khách du lịch sụt giảm đáng báo động. 3 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái khách giảm khá nhiều. Có một số ý kiến mà tôi cho rằng khá vội vã, cho rằng nguyên nhân căn bản sụt giảm khách du lịch là do hệ thống visa của chúng ta là rào cản.
Nếu cho rằng visa là cản trở thì tại sao trong năm 2014 chúng ta có lượng khách lớn mà trong 2015, cũng chính hệ thống visa đó thậm chí là thông thoáng hơn khi có Luật xuất nhập cảnh mới từ 1/1/2015 được các nước rất hoan nghênh. Đây là một nghịch lý. Tôi cho rằng từ góc độ phân tích cần phải rất thận trọng trong những đánh giá.
Theo góc độ kinh nghiệm quốc tế, tôi cho rằng sự sụt giảm du lịch cũng nằm trong xu thế chung của thế giới bởi những lý do sau: Cái chung là các nguồn thị trường cung lớn của chúng ta như Nga, Trung Quốc, đặc biệt là các nước châu Âu đều có những tác động không thuận của nền kinh tế. Như Trung Quốc từ tháng 5/2014, do sự kiện giàn khoan 981, các công ty du lịch Trung Quốc hầu như dừng hẳn các hoạt động đưa khách vào Việt Nam. Cho đến những tháng cuối của 2014 có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng còn chậm kéo sang cả đầu năm 2015. Khách Trung Quốc là một nguồn rất lớn của chúng ta.
Thứ 2, lượng khách Nga sau sự kiện Crimea. Nước Nga bị phương Tây bao vây cấm vận khiến đồng Rúp bị mất giá nghiêm trọng. Từ sự mất giá đó khiến khả năng chi trả của khách Nga mất đi rất nhiều. Trong khi ở châu Âu, đồng Euro mất giá cũng khiến sức mua của đồng Euro tại thị trường Việt nam giảm mạnh khiến người châu Âu chuyển hướng du lịch ra khỏi Việt Nam.
Từ những nguyên nhân đó, chúng ta phải suy xét làm sao nhận được bản chất của vấn đề. Chính phủ cũng đặt ra một yêu cầu rất thận trọng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ du lịch trong nước phát triển chúng ta cũng xem xét để dỡ bỏ hệ thống thị thực của chúng ta. Nhưng như tôi đã nói là cần phải tỉnh táo thận trọng trong việc đánh giá đâu là căn nguyên của việc sụt giảm du lịch để tìm ra giải pháp.
PV: Vậy, đối với việc dỡ bỏ thị thực cho các thị trường trọng điểm theo đề xuất của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch thì sao, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Hệ thống thị thực của chúng ta trong những năm vừa qua đã được cải thiện rất tốt. Nếu trước đây có thể mất 1-2 tuần thì nay khách chỉ nộp đơn 1-2 ngày là được cấp visa. Thêm nữa những vấn đề như bảo hiểm, chứng minh tài chính, bảo lãnh về nhân thân, hầu như chúng ta không yêu cầu. Hệ thống cấp thị thực của Việt Nam được xếp thứ 15 trong tổng số 140 nước được diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng.
Tuy nhiên chúng tôi đồng tình với việc cái gì còn cản trở cho du lịch thì phải xem xét tháo gỡ. Trong số đó có vấn đề visa. Dư luận nói rằng visa là cản trở, cá nhân tôi không nói là visa không cản trở nhưng cái này mình phải cân nhắc trên tổng thể các vấn đề. Làm sao để giải được bài toán, giữ visa thì đảm bảo được gì, mà dỡ bỏ visa thì được gì và chịu rủi ro gì.
PV: Liệu việc dỡ bỏ visa sẽ giúp giải được bài toán thiếu vắng khách du lịch quốc tế trong những tháng đầu năm qua không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Đối với khách du lịch, họ quan tâm hơn cả là mình cung cấp cho người ta cái gì như gói du lịch, tính cạnh tranh, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyến đi. Mọi người đang nói đến visa như một cứu cánh, có cảm giác bỏ visa là khách du lịch ào ào vào Việt Nam. Theo tôi cái này chúng ta phải xem xét thêm.
Chúng ta cần so sánh với các thị trường du lịch khác thì càng những nước được xếp hạng du lịch cao như Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì của họ lại là những nước đứng thứ hạng rất kém về độ mở của visa.
Thêm nữa, chúng ta đã mở visa rất lâu cho 7 nước gồm 4 nước Bắc Âu và 3 nước Đông Bắc Á, 10 nước ASEAN nhưng chúng ta chưa thấy những dòng khách ào ào, ví dụ từ Thái Lan, Singapore sang Việt Nam.
PV: Ông vừa nói đến việc chúng ta nên mở visa dựa trên những cân nhắc giữa tổng thế các vấn đề. Theo ông, đó những vấn đề gì mà chúng ta cần phải tính toán?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Có ý kiến cho rằng đã mở là phải mở với mọi mục đích. Tôi cho rằng điều này phải hết sức thận trọng. Chúng ta là một đất nước đặc thù về thể chế chính trị cũng như hệ thống an ninh an toàn xã hội. Nếu một số cá nhân vào Việt Nam không vì mục đích du lịch mà vì mục đích khác làm tổn hại đến an ninh an toàn của nước ta thì chúng ta không đón chào. Nhưng khi họ vào và họ làm những việc như thế, chúng ta có đưa được họ ra không?
Cái này cũng hết sức thận trọng. Bên cạnh đó, visa cũng là công cụ để trong những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh nguy hiểm SARS, EBOLA, MERS… thì cần phải có rào cản visa. Nếu áp dụng miễn visa thì trong trường hợp khẩn cấp như vậy sẽ khó khăn trong việc đóng cửa biên giới.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng !./.