Nổi tiếng là bãi biển đẹp của phía Bắc, tuy nhiên những năm qua, Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn chưa xứng với những gì du khách kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nạn “chặt chém” khách du lịch, khiến dư luận bức xúc trong thời gian dài.
Với tinh thần cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến của du khách khắp nơi và để lấy lại hình ảnh về một đô thị du lịch đẹp, thân thiện, hiếu khách, hướng tới Năm Du lịch quốc gia Thanh Hóa 2015, trong năm 2013, tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn đã “mạnh tay” xử lý những hình ảnh “xấu xí” về du lịch xứ Thanh.
Khách du lịch tại Sầm Sơn (Ảnh: Nguyễn Hải) |
Để giải quyết những vấn đề còn gây bức xúc cho khách du lịch, đầu năm 2013, UBND thị xã Sầm Sơn đã ra 10 quyết định, kèm theo 10 phương án thực hiện, nhằm “cải tổ” lề lối kinh doanh, dịch vụ tại thị xã du lịch này. Theo ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, sau mùa du lịch 2013, nạn “chặt chém” cơ bản đã được đẩy lùi, Sầm Sơn trở nên xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn hơn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Thay đổi tư tưởng “ăn xổi”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Vương Văn Việt (Ảnh: L.T) |
Ông Vương Văn Việt cho biết, sau khi dư luận khắp nơi “dậy sóng” than thở về tình trạng bắt chẹt, lừa khách tại Sầm Sơn, lãnh đạo tỉnh và UBND thị xã đã cùng ngồi lại để đánh giá, đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Theo nhận xét chung, nguyên nhân của nạn “chặt chém” bắt đầu từ dân trí của những người trực tiếp làm du lịch tại Sầm Sơn, trong đó đa số là nông dân, ngư dân địa phương.
“Họ mất 2/3 năm bám biển đánh cá, thời gian hè thì tập trung nhiều thời gian hơn để làm du lịch, do đó nhận thức, hiểu biết về làm du lịch của người dân địa phương còn hạn chế. Du lịch biển Sầm Sơn nói riêng và miền Bắc nói chung kinh doanh theo mùa vụ, là những tháng hè, nên người làm du lịch có tư tưởng “tranh thủ” để thu lợi nhuận” – ông Việt nói.
Bên cạnh đó, Sầm Sơn có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn của nhiều thành phần kinh tế từ những thập niên trước, hiện những nhà nghỉ này đã trở thành những trung tâm điều dưỡng, làm ăn còn manh mún. Việc quy hoạch du lịch tại thị xã cũng chưa thực sự chính quy, chuyên nghiệp, mạnh ai nấy làm, khiến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ở đây đan xen với nhau… Do đó, cơ quan quản lý phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Luân chuyển cán bộ, đào tạo nhân lực
Luân chuyển cán bộ chủ chốt của thị xã là công việc đầu tiên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa triển khai. Theo đó, Thanh Hóa đã đưa 3 cán bộ chủ chốt từ các ban, ngành của tỉnh – là người địa phương khác, về thay thế 3 lãnh đạo của thị xã Sầm Sơn, Đây là những cán bộ trẻ, thuộc thế hệ 7X, cho nên bằng nhiệt huyết, trách nhiệm, năng lực và quyết tâm rất cao, cùng với cấp ủy Sầm Sơn, cũng như các ban ngành, đoàn thể và nhân dân Sầm Sơn để làm cuộc “cách mạng” về môi trường du lịch.
Ông Vương Văn Việt khẳng định, những cán bộ mới đã vào cuộc rất nhanh, nắm bắt tình hình thực tế; cùng với Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp chặt chẽ, từ vấn đề tổ chức, cán bộ, xây dựng các quy chế đến kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế, tổ chức các đội kiểm soát… Bản thân Chủ tịch thị xã Sầm Sơn phải thiết lập đường dây nóng, có chế tài xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm.
Thị xã cũng đã giao chức năng, nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân để cùng phối hợp hành động, làm sao tạo nên môi trường du lịch “sạch”, văn minh; nguồn vốn đầu tư cho Sầm Sơn cũng lớn hơn. Bên cạnh đó vận động, kêu gọi các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư chỉnh trang toàn bộ đô thị Sầm Sơn, chung tay xây dựng hình ảnh một thị xã du lịch đang trong quá trình hội nhập.
Một vấn đề được Thanh Hóa hết sức quan tâm đó là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng cần thiết cho những người tham gia làm du lịch ở đây. Theo đó, người lái xích lô, lái xe điện, thợ chụp ảnh, bán hàng, nấu bếp… đều phải qua tập huấn, bồi dưỡng trước khi bước vào mùa du lịch.
Xử phạt nặng
Ngay tháng đầu tiên ra quân, các cấp, ngành của thị xã đã gặp không ít khó khăn, bởi nhiều người dân vẫn không muốn bỏ thói kinh doanh “ăn xổi” như trước đây. Các cơ quan chức năng thậm chí phải “chịu đòn” dư luận, để thực thi cho được những chủ trương và quyết sách của lãnh đạo thị xã.
Trước đây, hình thức phạt đối với các trường hợp vi phạm còn nhẹ, cho nên người bị phạt sẽ “nhờn”, thì nay thị xã kiên quyết phạt nặng, nếu cần đình sẽ chỉ hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt nói: “Có thể bị dân kêu nhưng không thể làm khác được, phải loại trừ “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Sau một mùa du lịch, chúng tôi thấy vẫn còn dư luận “này nọ” nhưng về cơ bản đã có những điểm mới, ngành du lịch địa phương đã có chuyển biến rõ nét, dần lấy lại lòng tin từ du khách”./.