Lưu trú chia sẻ: Tăng trưởng cao, lợi ích lớn
Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên), dịch vụ lưu trú chia sẻ là các giao dịch dựa trên nền tảng công nghệ số, giữa người có nhu cầu chia sẻ quyền lưu trú, phòng ở, phòng trọ, kinh doanh bất động sản, kinh doanh lưu trú với những người khác có nhu cầu nhằm thỏa mãn các điều kiện của mỗi bên đưa ra.
Báo cáo “Homesharing Vietnam Insights” giai đoạn 2015 - 2019 của Outbox Consulting chỉ ra rằng, số lượng phòng Airbnb ở Việt Nam đã lên đến 40.804 cơ sở, tăng hơn 40 lần chỉ sau 4 năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng luôn đạt mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hàng năm trên Airbnb tại TP. Hồ Chí Minh là 97%, ở Hà Nội là 112% và Đà Nẵng là 111%.
Báo cáo nhận định chia sẻ phòng lưu trú không đơn thuần giúp tăng thu nhập mà còn trở thành sản phẩm kinh doanh với mức lợi nhuận cao. Cụ thể, trung bình doanh thu hàng tháng của chủ nhà ở TP.Hồ Chí Minh trong mùa cao điểm là 11,5 triệu đồng và 8,3 triệu đồng vào mùa thấp điểm. Trong khi những con số này ở Hà Nội lần lượt là 6,78 triệu đồng và 5,2 triệu đồng.
Đại diện Airbnb Việt Nam cho biết, mô hình chia sẻ và mô hình truyền thống lần lượt đáp ứng những nhu cầu khác nhau của du khách. Điều Airbnb cố gắng mang tới là những trải nghiệm độc đáo và cá nhân hóa. Ví dụ, kỳ nghỉ tại nhà của một kiến trúc sư, một thợ gốm, một người nông dân… sẽ rất khác biệt so với những khách sạn truyền thống. Ngoài ra các tour du lịch mà Airbnb cũng cấp cũng do chính người bản địa hoặc “người trong cuộc” dẫn dắt, ví dụ một công nhân sẽ đưa du khách tham quan nhà máy bia, thay vì hướng dẫn viên du lịch thông thường.
Nhìn chung, Airbnb mang đến cho du khách thêm lựa chọn khi có nhu cầu lưu trú. Bởi ngoài việc tìm một địa điểm nghỉ ngơi ưng ý trong thời gian du lịch, khách hàng còn có thể tìm được những người bạn và khám phá những nên văn hóa độc đáo.
Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo, Airbnb còn góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người lao động địa phương.
Yêu cầu về trách nhiệm
Theo Th.S Nguyễn Thanh Bình (Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch), giai đoạn 2015 – 2019, dù lượng cung của các cơ sở lưu trú truyền thống cũng tăng nhưng không nhanh bằng lưu trú chia sẻ, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ. Công suất buồng trung bình của các cơ sở truyền thống giảm dần qua các năm, từ khoảng 57% xuống khoảng 52% vào năm 2019.
Tuy nhiên Covid-19 đã thay đổi hành vi và xu hướng của du khách. Hiện tại các cơ sở lưu trú truyền thống lại được tin tưởng hơn vì cam kết rõ ràng các tiêu chuẩn phòng dịch, trong khi đó lưu trú chia sẻ chưa đảm bảo được điều này. Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú chia sẻ không thực hiện việc khai báo khách tạm trú, gây khó khăn cho công tác quản lý và phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, các khách sạn truyền thống đã thể hiện vai trò, trách nhiệm khi tham gia vào các chương trình kích cầu, góp phần phục hồi ngành du lịch và giúp khách hàng hưởng nhiều ưu đãi hơn.
“Kinh tế chia sẻ giúp cho các bên tham gia đều có thể cùng phát triển, tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Tuy nhiên đã kinh doanh thì phải chấp hành luật pháp và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhiều cơ sở lưu trú theo mô hình chia sẻ chưa ý thức được về thực hiện các nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật” – bà Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Để quản lý hiệu quả mô hình lưu trú chia sẻ, TS Trần Huy Đức (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng cơ quan nhà nước cần nhanh chóng xây dựng hệ thống chính sách để điều chỉnh mô hình này: “Cần chấp nhận mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú chia sẻ và các chủ thể cung cấp dịch vụ nền tảng phải đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh dịch vụ công nghệ số. Đặc biệt, chủ nhà, người có nhà cho thuê trên nền tảng số phải đáp ứng toàn bộ các quy định tương ứng như các chủ thể kinh doanh dịch vụ lưu trú truyền thống. Điều này có nghĩa họ phải tiến hành đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh dịch lưu trú và đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ này. Ngoài ra, việc thu thuế qua các chủ nhà Việt Nam trong cung ứng dịch vụ lưu trú chia sẻ cũng hoàn toàn khả thi”./.