Hầu hết khách du lịch tại các thị trường trọng điểm đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là khách du lịch châu Á, Châu Âu, Nga…Tình trạng này khiến các cơ quan quản lý và nhiều doanh nghiệp lữ hành lo lắng. Ngành du lịch đã đưa ra nhiều biện pháp trước mắt nhằm kéo khách quốc tế trở lại, trong đó, có việc đề xuất Chính phủ nghiên cứu miễn visa cho một số thị trường trọng điểm.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế vào Việt Nam từ giữa năm ngoài đến hết tháng 5 năm nay giảm liên tiếp so với cùng kỳ. Kéo theo tốc độ tăng trưởng lượng khách giảm dần từ 34,8%( năm 2010) xuống còn 4% năm 2014. So với cùng kỳ năm trước, nguồn khách đến từ châu Á giảm 12, 6%, trong đó giảm mạnh nhất là từ Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và Philippines...Khách châu Âu như: Nga, Pháp, Hà Lan ước tính đạt 525.000 lượt, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua được Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam - Tiến sĩ Phạm Trung Lương lý giải là do kinh tế thế giới có nhiều biến động, giá USD tăng cao, giá EURO, đồng Yên Nhật giảm sâu. Kinh tế suy giảm, người dân nhiều nước giảm nhu cầu đi lại, du lịch. Đồng thời, chế độ thị thực, quá cảnh thay đổi theo hướng siết lại việc đón khách du lịch tàu biển cũng khiến lượng khách quốc tế vào Việt Nam sụt giảm.
Bà Tống Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty du lịch Thăng Long GTC cho rằng, tình trạng móc túi, cướp giật, chặt chém, tai nạn giao thông cũng đang là nỗi ám ảnh đối với khách du lịch không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế.
Còn theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist thì nguyên nhân chủ quan là công tác xúc tiến quảng bá thiếu chuyên nghiệp, có quá nhiều cơ quan tham gia, nguồn lực yếu nhưng phân tán, không thể tổ chức được các chiến dịch lớn có khả năng thay đổi thị trường, thu hút khách du lịch vào Việt Nam; hình ảnh du lịch Việt Nam được quảng bá qua văn hóa còn yếu, đặc biệt là các giá trị về di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch còn mờ nhạt…
Ông Lê Công Năng - Trưởng phòng truyền thông Vietrantour phân tích thêm: khách quốc tế đến Việt Nam thời gian gần đây giảm còn là do giá dịch vụ của nước ta cao hơn các quốc gia xung quanh. Cụ thể, cùng một đối tượng khách ở dịch vụ 3 sao, chi phí cho một khách/đêm ở Thái Lan là 22,5/ USD, ở Malaysia: 30 USD, Trung Quốc: 40USD, còn ở Việt Nam là 80USD. Sự chênh lệch này chủ yếu là sự khác biệt về giá khách sạn và ăn uống. Mà chỉ riêng 2 khoản này đã chiếm đến 57% chi tiêu của khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Trước những lo ngại về sự sụt giảm khách quốc tế, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của ngành, trong phiên thảo luận tình hình xã hội tại Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh thiết tha đề nghị các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn nạn cò mồi, ép giá đối với du khách và những hành vi làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam. Bởi vậy, bên cạnh những giải pháp mang tính chiến lược thì cải thiện môi trường du lịch là việc cần được ưu tiên thực hiện, nếu không, tình trạng du khách “một đi không trở lại” là điều khó tránh khỏi.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm “cứu vãn” cho du lịch Việt Nam. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục thị thực nhập cảnh được xem là giải pháp mấu chốt, giúp kích thích thị trường và tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng để giải quyết tình trạng này, cần phải: “Tập trung khai thác vào các thị trường trọng điểm; Nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công việc quảng bá, xúc tiến; Đẩy mạnh ứng dụng hoạt động Maketing. Chúng tôi có niềm tin là từ tháng 6 trở đi thì chắc chắn tốc độ giảm sút này nó sẽ bị giảm xuống và cho đến khoảng hết quý 2, quý 3 trở đi thì đến quý 4 tình hình có thể sẽ tăng trưởng dương trở lại. Vì từ tháng 6,7,8 nó giảm sút đột ngột và rất mạnh và các tháng gần đây càng tăng trưởng trở lại và đó là một dấu hiệu phục hồi rõ”.
Hy vọng, dự thảo Chỉ thị về những nhiệm vụ, giải pháp biện pháp cấp bách về du lịch được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6 này với các giải pháp nhằm khắc phục được những hạn chế, yếu kém, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam như: mở rộng diện các quốc gia miễn thị thực đơn phương có thời hạn cho 2 nhóm nước là thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược toàn diện có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn, thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch Việt Nam…sẽ góp phần kéo nguồn khách quốc tế trở lại Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỳ vọng./.