UBND tỉnh Quảng Bình vừa cho phép Tập đoàn Sun Group khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo đưa du khách tham quan hang Sơn Đoòng trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Dự kiến, tuyến cáp treo này dài hơn 10km, điểm xuất phát từ trước cửa động Tiên Sơn, có các ga tại động Phong Nha, Thiên Đường, suối Trạ Ang và động Sơn Đoòng.

Mặc dù mọi việc chỉ mới ở giai đoạn khảo sát, lập dự án nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó có những người đồng tình, có ý kiến phản đối. Bởi lẽ, đối với di sản thiên nhiên thế giới độc đáo như vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì mọi việc làm ở đây cần hết sức thận trọng.

son_doong_1_foxh.jpgKhám phá động Sơn Đoòng (Ảnh: BHD)

Bà Trương Thị Luyến, cán bộ hưu trí ở tổ dân phố số 4, phường Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỏ thái độ không đồng tình: “Theo tôi, việc xây dựng cáp treo lên Sơn Đòong là không cần thiết, làm mất đi vẻ nguyên sơ của vườn di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng, đồng thời, việc bảo tồn giá trị tự nhiên của hang động cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Cũng có ý kiến cho rằng: Việc xây dựng tuyến cáp treo vào động Sơn Đoòng sẽ giúp cho nhiều du khách trong và ngoài nước được đến đây khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, lộng lẫy và đầy kỳ thú của quần thể Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ông Hoàng Phúc, trú tại phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới nêu quan điểm: “Tôi thấy đó là việc nên làm, bởi vì ở Quảng Bình là tỉnh có thế mạnh về du lịch hang động. Việc xây dựng cáp treo có thể giúp du khách tham quan động Sơn Đoòng được nhanh chóng và tiết kiệm thời gian. Vì vậy, việc xây dựng cáp treo sẽ thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước đến Quảng Bình tham quan”.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình phân tích, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất và nổi tiếng thế giới nên ai cũng muốn được một lần đặt chân đến. Nhưng hiện nay chỉ một số ít người có sức khỏe tốt, thích mạo hiểm và nhiều tiền mới đến được nơi này. Còn đa số du khách và người dân địa phương đều khó đến đây chiêm ngưỡng. Vì vậy, có cáp treo thì nhiều người dễ dàng lên đây. Tuy nhiên, nếu xây dựng cáp treo mà ảnh hưởng xấu đến di sản Phong Nha - Kẻ Bàng thì kiên quyết không làm.    
Năm 2000, Công ty Du lịch Quảng Bình đã khảo sát xây dựng cáp treo từ động Phong Nha lên động Tiên Sơn với kinh phí 30 tỷ đồng, xé vụn cảnh quan vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với tư cách là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình lúc đó, ông Nguyễn Văn Lợi đã phản đối dự án. Sau đó, dự án đã dừng lại. Lần này, đối với dự án cáp treo lên động Sơn Đoòng, với tư cách là Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình, ông tỏ ra đồng tình. Bởi từ cabin của cáp treo có thể quan sát toàn bộ di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lợi cũng cho rằng, nếu xây dựng không tính toán kỹ càng thì cáp treo sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu cho những lèn núi đá vôi độc đáo của vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

"Tôi thấy điều kiện sinh thái tự nhiên của cả khu vực là rất lớn. Bởi diện bao phủ của rừng cũng như tính chất của các hệ thống núi đá vôi có giá trị caster của các lèn đá. Nếu như các cáp treo đi ngang, xuyên qua tôi cho rằng tốt nhất là phải tìm những điểm không ảnh hưởng đến tính tự nhiên cũng như giá trị lịch sử của khu vực đó, kể cả rừng cây cũng như núi đá" - ông Nguyễn Văn Lợi nêu ý kiến.

Ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, hiện, ông chưa có thông tin về dự án nên chưa thể nói gì được. Theo ông Bài, nếu dự án không ảnh hưởng đến môi trường, không làm mất giá trị của di sản thì nên ủng hộ để địa phương phát triển du lịch. Tuy nhiên, mọi dự án đầu tư xây dựng trong khu vực di sản thế giới thì phải hết sức thận trọng.

"Dự án trước hết phải thật chuẩn, tạo được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội, cộng đồng bao gồm những nhà quản lý, nhà khoa học, các công ty du lịch, du khách và cư dân địa phương. Thứ hai là phải được sự đồng thuận của UNESCO", ông Đặng Văn Bài nói.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, các bên liên quan đến dự án còn tiếp tục bàn bạc với nhau thật kỹ nhưng chỉ cho cáp treo vào đến cửa hang động chứ không đi sâu vào bên trong.

"Trước hết, việc bảo tồn giá trị di sản là việc đầu tiên và sau đấy là phải phát huy các giá trị của nó. Tất cả các dự án đầu tư vào đó sẽ phải làm đầy đủ các thủ tục, trong đó kể cả báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo với Ủy ban UNESCO Việt Nam và UNESCO thế giới để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án ở đó. Còn hiện nay mới chỉ làm các thủ tục, xem tác động như thế nào, ảnh hưởng gì không, rất là nhiều khía cạnh" - ông Trần Tiến Dũng cho biết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, dự án xây dựng tuyến cáp treo vào động Sơn Đòong đang trong quá trình chuẩn bị nên việc lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ giúp cho địa phương đi đến quyết định đúng đắn, vừa bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản, vừa phục vụ phát triển du lịch bền vững./.