Được mệnh danh là “Hoàng cung trong lòng đất”, động Thiên Đường thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 70km theo hướng tây bắc, cách động Phong Nha khoảng 25km theo đường Tây Trường Sơn đi ra phía bắc. Động Thiên Đường nằm trong vùng lõi đá vôi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - di sản thiên thế giới đã được UNESCO công nhận.

Kỳ quan này được phát hiện vào năm 2005 bởi một người dân địa phương, sau đó được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh nghiên cứu, khám phá từ năm 2005-2010. Năm 2010, kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy toàn bộ hệ thống hang động này có tổng chiều dài là 31,4 km, chiều rộng từ 30 đến 100m, nơi rộng nhất lên đến 150m; chiều cao từ đáy động lên đến trần động khoảng 60-80m; là hang động khô dài nhất châu Á. Kiến tạo địa chất của động có niên đại 350-400 triệu năm, với nhiều nhũ đá và măng đá đẹp huyền ảo, tráng lệ, kỳ vĩ. Và vì vậy, động được đặt tên là Thiên Đường.

Động Thiên Đường được các chuyên gia địa chất, thám hiểm hang động đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất thế giới. Tháng 9/2010, động Thiên Đường mở cửa đón khách tham quan. Đơn vị quản lý và khai thác đã lắp đặt một hệ thống chiếu sáng nghệ thuật và hệ thống cầu thang, hành lang bằng gỗ tạo tuyến tham quan. Hiện tại, tuyến tham quan được đầu tư hạ tầng mới chỉ dài 1,1km. Tuy vậy, với quãng đường này, du khách cũng đủ kinh ngạc, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ ảo của động Thiên Đường./.

h1_rkti.jpg 

Cảnh núi rừng Trường Sơn trên đường từ động Phong Nha tới động Thiên Đường

 

Từ chân núi phải phải đi lên một con dốc để tới của động cao hơn trăm mét

 
Và từ cửa động lại đi xuống để vào trong, với lối rất nhỏ
 

Cửa động Thiên Đường nhìn từ bên trong

 

Một không gian rộng lớn mở ra. Từ cửa động xuống tới nền sâu 15m, du khách phải đi qua những đoạn thang khúc khuỷu

 
Một góc nhìn từ trên cao vào trong lòng động
 

Xuống dưới nền động, du khách sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá, với những vòm động cao vúi, những khối nhũ đá, măng đá muôn hình

 
Động Thiên Đường là động khô, không có dòng chảy trong lòng; nền động phần lớn là đất dẻo, lẫn với cát. Nhưng những giọt nước nhỏ từ những khối thạch nhũ trên trần động xuống, đọng và tạo những dòng chảy nhỏ cục bộ cũng tạo nên những hình thù thú vị, đặc sắc.
 

Những không gian trong lòng động kỳ vĩ, lộng lẫy, với những khối nhũ đá, măng đá lung linh, huyền ảo. Nhũ đá là “khoáng vật hang động” được hình thành từ những cặn nước nhỏ xuống từ trần động hay vách động, qua hàng ngàn năm. Còn măng đá là trầm tích phát triển từ nền hang động, có hình măng, nón. Các nhũ đá, măng đá ở động Thiên Đường có nhiều hình thù rất đẹp, một số đã được đặt tên. Tất nhiên, mỗi du khách đều có thể có sự liên tưởng hay so sánh của riêng mình.

 
 
 
Khối măng đá này được đặt tên là “Cung Quảng Hàn”
 

Còn đây là “Cổ tháp”

 

Nhóm này có tên là “Quần tiên hội tụ”

 

“Nhà rông Tây Nguyên”

 

Không gian này gợi sự liên tưởng thú vị và được đặt tên là “Phòng the”

 
Một chú voi như đang vẫy chào khách ngay ở lối đi
 

Khối măng đá này có tên là “Liên hoa đài”

 
Một bức tranh đá
 

Hệ thống cầu thang, đường dẫn và hệ thống chiếu sáng cũng góp phần làm đẹp và lung linh thêm động Thiên Đường