Khoảng thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10, những người yêu xê dịch lại rạo rực vì mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh như một bức tranh là điểm dừng chân thú vị trong cung đường Tây Bắc. Chỉ với 1 triệu đồng, bạn đã có chuyến đi 3 ngày ngắm “mùa vàng” Mù Cang Chải.

29598454511_f312ff0ff9_o_copy_fphc.jpg
"Mùa vàng" Mù Cang Chải luôn hấp dẫn dân "phượt".

Nếu đủ sức khỏe chạy xe máy quãng đường hơn 300km từ Hà Nội đến thị trấn Mù Cang Chải, đây sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác tự do, thỏa thích hít thở khí trời. Nhưng đối với những người sức khỏe không đảm bảo, hay với con gái, tốt hơn hết nên đi xe khách rồi thuê xe máy để khám phá Mù Cang Chải.

Đoàn chúng tôi có 4 người, 3 gái, 1 trai, chúng tôi chọn đi xe khách từ Hà Nội đến thành phố Yên Bái, sau đó thuê xe máy chạy lên Mù Cang Chải. Như vậy, quãng đường đi xe máy sẽ rút ngắn chỉ còn khoảng 180km.

22 giờ, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, đi xe khách giường nằm Hải Vân đến thành phố Yên Bái lúc 0 giờ, sau đó thuê nhà nghỉ làm một giấc đến 5 giờ sáng rồi thuê xe máy bắt đầu cuộc hành trình.

Từ Yên Bái, chúng tôi đi đường Hợp Minh - Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Mù Cang Chải. Thời tiết Mù Cang Chải cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc thường lúc nắng lúc mưa, thay đổi liên tục trong ngày. Vì vậy, để quãng đường chạy xe máy suôn sẻ, bạn nhất định nên chuẩn bị đủ áo mưa, áo khoác mỏng che nắng và tránh gió.

Những thửa ruộng bậc thang vàng óng luôn buộc chúng tôi phải dừng chân để chụp ảnh trên đường đi.

Mùa gặt.

Đặt chân đến Tú Lệ vào ngày mùa, chúng tôi phóng tầm mắt ra những cánh đồng lúa nếp vàng uôm dưới thung lũng và hít thở hương cốm thơm ngào ngạt. Cốm Tú Lệ là một đặc sản của Yên Bái. Không dẻo như cốm Vòng ở đất Hà thành, nhưng cốm Tú Lệ lại có vị ngon rất riêng của núi rừng Tây Bắc.

Thưởng thức đặc sản cốm Tú Lệ giữa những thửa ruộng vàng uôm thực sự là một trải nghiệm khó quên.

Rời Tú Lệ, đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Từ đèo Khau Phạ, chúng tôi chiêm ngưỡng được toàn cảnh thung lũng Cao Phạ - một trong những nơi có ruộng lúa đẹp nhất tại Mù Cang Chải. Trước mắt chúng tôi, thung lũng Cao Phạ vào cuối chiều hiện lên giữa trùng điệp núi rừng, dưới những đám mây trắng như bông lững lờ trôi. 

Đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi Tây Bắc.
Thung lũng Cao Phạ.

Vì vừa đi vừa ngắm cảnh và chụp ảnh nên chúng tôi buộc phải rời mắt khỏi thung lũng Cao Phạ vào cuối chiều để kịp đến Mù Cang Chải, để dành việc khám phá mọi ngóc ngách của những bản làng xinh đẹp nơi đây trên đường về.

Chúng tôi kết thúc ngày đầu tiên ở Mù Cang Chải bằng bữa tối đơn giản ở thị trấn và đi ngủ sớm để sáng mai dậy sớm đón bình minh.

Thật không may, buổi sáng hôm sau, trời mưa như trút nước. Phải đến gần trưa mới có thể xuất phát đi ngắm ruộng bậc thang. Ở Mù Cang Chải, những điểm có ruộng bậc thang đẹp nhất là xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, bản Thái, Cầu Ba Nhà, nơi có đồi mâm xôi (cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 10 km).

Ruộng bậc thang La Pán Tẩn.

Dù không có nắng, nhưng màu vàng của những thửa ruộng bậc thang vẫn đầy rực rỡ. Nếu như xã La Pán Tấn nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang tựa vân tay của trời, Cầu Ba Nhà lại có thửa mâm xôi tuyệt đẹp.

Đường lên mâm xôi rất xấu, không thể tự mình phóng xe máy lên. Bạn có thể lên đỉnh bằng cách thuê xe ôm với giá 40.000đ. Đó là những chiếc xe máy chuyên dụng để đi đường núi với bánh xe quấn xích. Chúng tôi chọn đi bộ để ngắm cảnh. Đó thực sự là một lựa chọn không tồi, khi có thể dừng chân ngắm lúa chín thỏa thích mà không phải ghì chặt vào yên xe máy với những đoạn xóc muốn rụng tim.

Chúng tôi thưởng thức bữa trưa với bánh mì, vài bắp ngô và nải chuối mua của người dân giữa mênh mang gió núi nơi lưng chừng trời.

Toàn cảnh thửa mâm xôi đẹp như tranh vẽ.

Những thửa ruộng bậc thang trải dài vô tận.

Vẻ đẹp của con người Mù Cang Chải.

Sau khi khám phá những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất của Mù Cang Chải, chúng tôi trở về Cao Phạ vào đầu buổi chiều. Xuôi theo con đường đất đỏ, giữa những bạt ngàn lúa đang độ chín vàng là con dốc thẳng đứng chạy lên bản Lìm Mông hẻo lánh, heo hút, chênh vênh nơi lưng chừng núi. Cách đó không xa là bản của người Thái với những mái nhà sàn đặc trưng. 

Dừng xe, chúng tôi nhìn những đứa trẻ vui đùa bên dốc núi, Lũ trẻ cứ tíu tít với nhau những câu nói mà chúng tôi không thể hiểu được. Thỉnh thoảng lại có đứa khóc ré lên vì bị anh chị trêu...

Đường đến bản Lìm Mông.

Trẻ con ở Lìm Mông.

Rời Lìm Mông, chúng tôi về nghỉ đêm ở Tú Lệ, ăn tối bằng món bún cá ngon tuyệt với măng rừng ngâm ớt ở quán Thu Mai. Chúng tôi bị nghiện món bún cá này, đến tận sáng hôm sau vẫn phải ăn lại.

Bữa sáng cuối cùng với món bún cá ngon tuyệt ở Tú Lệ.

Chúng tôi rời Tú Lệ vào sáng sớm với bao luyến tiếc. Chuyến hành trình 3 ngày ở Mù Cang Chải kết thúc, nhưng những trải nghiệm đáng nhớ mà chúng tôi có được trong chuyến đi sẽ mãi trong ký ức về những thửa ruộng bậc thang vàng óng giữa núi rừng Tây Bắc, những con đường đèo quanh co, những đứa trẻ hồn nhiên, thân thiện.../.

Chi phí đi Mù Cang Chải trong 3 ngày cho một người

Ngày 0: Hà Nội – Yên Bái

- Tiền xe khách giường nằm: 150.000đ

- Tiền taxi di chuyển về nhà nghỉ: 60.000đ/4 = 15.000đ

- Tiền nhà nghỉ: 200.000đ/4 = 50.000đ

Ngày 1: Yên Bái – Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Mù Cang Chải

- Thuê xe máy 3 ngày: 600.000/2 = 300.000đ

- Ăn sáng bún bò: 20.000đ

- Uống nước mía ở Nghĩa Lộ: 10.000đ

- Ăn cơm trưa ở Tú Lệ: 40.000đ

- Đổ xăng: 50.000đ/2 = 25.000đ

- Ăn tối cơm rang dưa bò: 30.000đ

Ngày 2: Mù Cang Chải – Tú Lệ

- Ăn sáng mì tôm bò: 20.000đ

- Ăn trưa: 30.000đ

- Ăn tối bún cá: 30.000đ

- Trả phòng nhà nghỉ ở Mù Cang Chải: 250.000đ/4 = 62.500đ

Ngày 3: Tú Lệ - Nghĩa Lộ - Yên Bái – Hà Nội

- Trả phòng nhà nghỉ: 200.000đ/4 = 50.000đ

- Ăn sáng bún cá: 30.000đ

- Đổ xăng: 50.000đ/2 = 25.000đ

- Taxi từ điểm trả xe máy đến cao tốc Lào Cai: 60.000đ/4 = 15.000đ

- Xe khách giường nằm: 150.000đ

Tổng chi phí: 1.052.500đ