Sau gần 7 tháng phải tạm dừng, cuối tháng 10 vừa qua, các doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các hãng hàng không để đưa khách thị trường nói tiếng Nga đến sân bay Cam Ranh. Hiện đã có 2 doanh nghiệp mỗi tuần tổ chức 4 chuyến bay, đưa gần 1.000 du khách từ Kazakhstan đến Khánh Hòa nghỉ dưỡng từ 7 đến 30 ngày. Ông Bùi Quốc Đại - Phó Giám đốc Công ty Anex Việt Nam cho biết, cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ mở thêm đường bay mới từ Kazakhstan đến Khánh Hòa. Các đường bay này không chỉ khai thác thị trường gần 20 triệu dân của Kazakhstan mà còn là điểm trung chuyển, để đón du khách nói tiếng Nga tại khu vực Trung Á.

Trước khi bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, du lịch tỉnh Khánh Hòa phát triển nhanh, mỗi năm đón gần 7 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế chiếm phân nửa. Tuy vậy, du lịch Khánh Hòa phát triển thiếu bền vững vì quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Nga. Hiện nay, việc khôi phục thị trường du lịch vẫn còn khó khăn.

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng tỉnh Khánh Hòa phải nâng tầm để phát triển du lịch cao cấp, bên cạnh thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc nên khôi phục thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ. Để có những sản phẩm du lịch cao cấp, bên cạnh nghỉ dưỡng, tỉnh cần dựa vào những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm khám phá biển, đảo, du lịch chữa bệnh.

Phó Giáo sư Phạm Trung Lương đề nghị: “Một người khách cao cấp có thể chi tiêu bằng 100 du khách thông thường. Đặc điểm thị trường Tây Âu khác với Nga, Trung Quốc. Tới đây trong tổ chức không gian du lịch sẽ có những khu vực ưu tiên cho khách Tây Âu và khu vực cho khách Trung Quốc, khách Nga để không có sự xung đột về đặc điểm thị trường. Như vậy, chúng ta vẫn có thể khai thác tốt các thị trường này”.

Bình quân mỗi du khách nước ngoài đến Khánh Hòa chi tiêu từ 600 - 1.500 USD, đây là mức chi tiêu chưa cao. Chi phí của du khách tập trung chủ yếu vào lưu trú, ăn, uống. Trong khi đó, các chi phí cho vui chơi, giải trí còn hạn chế. Để tăng mức chi tiêu, đòi hỏi ngành du lịch và các doanh nghiệp chủ động đầu tư đa dạng hóa sản phẩm thu hút du khách vui chơi, mua sắm cũng như kéo dài thời gian lưu trú.

TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng bên cạnh tái cơ cấu thị trường, tỉnh Khánh Hòa cần tái cơ cấu sản phẩm; tăng thêm các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với tâm linh, xây dựng đô thị Nha Trang thành trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa tầm quốc tế. Ngoài ra cần phát triển kinh tế đêm, để khi du khách tận hưởng đêm lung linh ở Nha Trang thì năng lực chi tiêu có thể sẽ tăng lên từ 3 đến 4 lần. 

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã đón gần 2,3 triệu lượt du khách, doanh thu gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, khách quốc tế chỉ đạt gần 190.000 lượt, chủ yếu là khách Hàn Quốc. Bên cạnh đó, vẫn có dòng khách từ một số thị trường khác như Malaysia, Thái Lan nhưng không đáng kể.

Ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết bên cạnh việc xúc tiến, quảng bá thì các cơ sở du lịch cần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ để giữ chân du khách, phát triển bền vững các thị trường du lịch nước ngoài: “Để giữ khách, chúng tôi có liên kết với các tỉnh lân cận như Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng tổ chức thêm các tour, mở rộng sản phẩm mới. Đảm bảo cho du khách có nhiều trải nghiệm để họ có thể đến lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba đều đáp ứng được nhu cầu”./.

"Mảnh ghép còn thiếu" cho du lịch cao cấp tại Khánh Hòa

VOV.VN - Các sản phẩm du lịch chất lượng cao xuất hiện ngày càng nhiều tại Khánh Hòa, với sự góp mặt của các thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới cùng những dịch vụ đẳng cấp. Tuy nhiên phân khúc du lịch chất lượng cao tại Nha Trang - Khánh Hòa chưa thực sự hoàn thiện.