An toàn để du lịch, du lịch phải an toàn
Tại tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 24/9, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu khẳng định: "Ở chương trình kích cầu lần 2, việc đảm bảo an toàn cho du khách luôn được ưu tiên. Bản thân du khách cũng phải có ý thức trách nhiệm rõ ràng trong phòng, chống dịch."
Để giải tỏa tâm lý e ngại của du khách, các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đều cần đưa ra cam kết trong việc đảm bảo an toàn. "Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, hàng không, cơ sở dịch vụ và khu vui chơi giải trí cần thực hiện tốt các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh truyền thông về cam kết thực hiện du lịch an toàn." – ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (TCDL) cho biết.
Ông Vũ Nguyên Khôi - Trưởng ban Tiếp thị và chuyển đổi số của Vietnam Airlines khẳng định "Khoang hành khách trên máy bay của Vietnam Airlines vô trùng như phòng phẫu thuật". Các biện pháp để đảm bảo an toàn và tạo sự vững tin cho hành khách. Tất các chuyến bay đáp ứng nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế, hàng không quốc tế. Máy bay luôn được phun khử khuẩn tồn lưu, vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn an toàn với sức khỏe sau mỗi chuyến bay. Hành khách được yêu cầu khai báo y tế trước mỗi chuyến bay, khuyến khích check-in trước mỗi chuyến bay, làm thủ tục trực tuyến để đảm bảo giãn cách xã hội.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - ông Đặng Thanh Thủy thông báo: chuỗi nghỉ dưỡng Vingroup đảm bảo hệ thống kiểm soát ba lớp duy trì 24/24 theo chỉ dẫn của Bộ Y Tế. Ba lớp đảm bảo an toàn gồm: Khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, dấu hiệu lâm sàng của khách hàng, nhân viên; Thường xuyên khử khuẩn ở các khu vực phòng nghỉ, khu vực công cộng trong các tòa nhà, tạo hành lang giãn cách; Yêu cầu nhân viên và khách đeo khẩu trang và tuân thủ yêu cầu vệ sinh phòng dịch.
Bà Trần Thị Nguyện – Giám đốc Kinh doanh Sun World (Sun Group) cho biết: Tập đoàn Sun Group cũng đang thực hiện rất nghiêm quy tắc về an toàn, thường xuyên thanh tẩy tất cả các cabin cáp treo và các khu vực trong khu du lịch, nhắc nhở khách hàng khẩu trang, đặt hàng nghìn chai dung dịch sát khuẩn tại các vị trí công cộng, nhà vệ sinh, quầy dịch vụ… Về phía doanh nghiệp lữ hành, bà Nguyễn Lê Hương – Phó Tổng giám đốc Vietravel cho biết, công ty đưa ra các giải pháp an toàn cho khách cũng như tăng cường công tác truyền thông để khách hàng cảm thấy yên tâm khi đi du lịch. Vietravel cũng yêu cầu và giám sát chặt chẽ các nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo an toàn cho du khách.
Việt Nam còn rất nhiều nơi hấp dẫn chưa được khám phá
Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, an toàn là chưa đủ để thu hút khách mà cần phải tạo ra sản phẩm hấp dẫn với dịch vụ tốt nhất có thể. Sản phẩm phải mới hơn, chất lượng cao hơn, giá cả phù hợp và phục vụ tốt hơn. Trong thời gian tới, nhiều tỉnh, thành phố sẽ tung ra các gói du lịch mới, điểm đến mới, tăng cường liên kết để chia sẻ khó khăn và tạo ra chuỗi sản phẩm."Du lịch mới chỉ đến được một số địa phương, còn rất nhiều nơi khách du lịch vẫn chưa đặt chân đến." – ông Bình cho biết.
Tiếp nối ý kiến trên, đại diện Sở quản lý du lịch một số tỉnh, thành phố cho biết trong thời gian tới sẽ ra mắt nhiều sản phẩm mới. Giám đốc sở Du lịch Quảng Ninh ông Phạm Ngọc Thủy giới thiệu: trong thời gian tới du khách tới Quảng Ninh sẽ có nhiều trải nghiệm mới như Tuần du lịch Bình Liêu, Tuần du lịch Yên Tử, du lịch biên giới tại Móng Cái hay trải nghiệm dịch vụ Onsen… Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang cho biết: lễ hội hoa tam giác mạch vẫn sẽ được tổ chức cùng với tour tham quan các thắng cảnh nổi tiếng là ruộng bậc thang, cao nguyên đá Đồng Văn… Giám đốc Sở VHTTDL&DL Lào Cai – ông Hà Văn Thắng cho biết, Lào Cai sẵn sàng đón khách tới tham quan và khám phả bản sắc văn hóa, với những hoạt động đặc sắc như festival tinh hoa Tây Bắc, các giải chạy marathon quốc tế, tái hiện phiên chợ tình Sapa…
Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay Đà Nẵng đã đủ điều kiện đón khách du lịch. "Chúng tôi chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông – đường biển qua các cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng như cầu sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi, du lịch sinh thái tại huyện Hòa Vang, du lịch theo mô hình kinh tế đêm và phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế để tạo các sản phẩm du lịch chung." Ông Bình cho biết.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng đang nỗ lực thích nghi để tồn tại. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc công ty Golden Tour cho rằng: "Xu hướng và thói quen du lịch đã thay đổi rất nhiều. Không còn những đoàn lớn mà thay vào đó là nhóm nhỏ, nhóm gia đình và đi du lịch ngắn ngày, không phải di chuyển nhiều. Du lịch trải nghiệm sẽ lên ngôi, xu hướng đi về những khu vực thiên nhiên, sinh thái và không quá đông đúc. Các khu vực Đông Bắc, Tây Bắc hay điểm đến mới Côn Đảo sẽ là những nơi thu hút khách trong giai đoạn sắp tới".
Giám đốc công ty Hanotours, ông Hồ Xuân Phúc chia sẻ công ty của ông hàng tuần đều phải điều chỉnh và cập nhật lại các sản phẩm để phù hợp với tình hình thời tiết, nhu cầu khách hàng và thị trường. Ông Phúc cho biết: "Vẫn là những điểm đến đã quen thuộc nhưng chúng tôi làm mới lại toàn bộ sản phẩm. Chi phí được điều chỉnh hợp lý, các dịch vụ được tăng lên, đưa thêm những giá trị văn hóa lịch sử và trải nghiệm mới hơn để du khách được trải nghiệm toàn diện nhất"./.