Theo đó, ngày 28/4 tại Cù Lao Chàm diễn ra Lễ giỗ Tổ nghề Yến, một lễ hội văn hóa lâu đời ở Hội An. Lễ hội này tri ân các bậc tiền bối đã có công khai sinh nghề khai thác Yến sào, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quí hiếm biển đảo. Dịp này, Hội An tổ chức đón bằng công nhận 4 loài cây cổ thụ tại Cù Lao Chàm là cây di sản Việt Nam.

Tiếp đó, từ ngày 29/4 đến 3/5 tại đô thị cổ Hội An diễn ra “Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ 5” với sự tham gia của hơn 300 nghệ sỹ thuộc 40 đoàn hợp xướng của 15 quốc gia. Đây là dịp để những người yêu nghệ thuật hợp xướng giao lưu âm nhạc, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa giữa các dân tộc và tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế.

ha2_qzye_onhj.jpgHội An tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch trong dịp lễ

Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 2/5, lần đầu tiên thành phố Hội An khai trương sản phẩm du lịch mới “Đêm Cù Lao” vào tối thứ 7 hàng tuần. Chương trình “Đêm Cù Lao” tái hiện nét sinh hoạt văn hóa đời thường, không gian sống đầy sinh động của cư dân vùng dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Qua đó, giúp du khách trải nghiệm và khám phá nét đẹp văn hóa địa phương.

Cây đa, một trong 4 cây ở Cù Lao Chàm (Hội An) vừa được công nhận Cây di sản Việt Nam

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, du khách đi ra Cù Lao Chàm chỉ ra ban ngày, còn ban đêm người ta quay về hết. Tạo ra sản phẩm “Đêm Cù Lao” để dân Cù Lao Chàm không phải cứ 19h là đóng cửa đi ngủ mà có thể kinh doanh buôn bán được. Đã là du lịch cộng đồng thì kinh doanh buôn bán dân được hưởng, thậm chí nếu có khách, chúng ta tổ chức hàng ngày chương trình “Đêm Cù Lao” vẫn tốt”./.