Khi sắc xuân đã nhuộm vàng những cành mai, nhà nhà người người sum vầy đón Tết, thì những cán bộ, nhân viên của Vườn Quốc gia Núi chúa – vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận vẫn cần mẫn với công việc tuần tra, kiểm soát, canh giữ khu vườn. Với họ, những cánh rừng ngày càng tươi xanh; hệ sinh thái rạn san hô, rong, cỏ biển ngày càng phủ rộng là niềm vui, là món quà xuân nhiều ý nghĩa.
Những người giữ rừng và biển
Với cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Núi Chúa, năm 2021 vừa qua là một năm đáng nhớ. Vào thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở Ninh Thuận, cả tập thể thực hiện phương án “3 tại chỗ” để phòng dịch và bảo vệ Vườn. Rồi vào giữa tháng 9/2021, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là niềm vui, là động lực để cán bộ, nhân viên của Vườn và cả người dân ở khu vực này nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng, biển.
Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 1.514 loài thực vật, 345 loài động vật. Trong đó có 54 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm như: Voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, dải san hô nơi rùa biển để trứng…
Anh Nguyễn Khắc Giác, nhân viên phòng Bảo tồn biển, Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, anh luôn tìm thấy niềm vui trong công việc khi nhìn sinh thái của Vườn sinh sôi nảy nở, khi người dân ngày càng hiểu được giá trị của Vườn: "Tôi rất hãnh diện khi là một nhân viên của khu này. Tôi cũng thường tuyên truyền cho bà con ở đây rằng được như thế này thì mình được cái gì, được lợi gì và mất cái gì. Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền bảo vệ tài nguyên, cho bà con tham gia các hoạt động như bảo vệ môi trường biển, dọn rác bãi biển và trồng từ 2.000 - 3.000 cây mắm tại vùng biển Mỹ Hoà".
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là một vùng rộng lớn, bao gồm cả đất liền và biển thuộc tỉnh Ninh Thuận, với tổng diện hơn 106.646 ha. Ở đây có vùng lõi là Vườn quốc gia Núi Chúa với diện tích hơn 15.752 ha, vùng đệm nằm trên các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và vùng chuyển tiếp nằm trên địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Ninh Phước. Rộng lớn như vậy nên việc vận động người dân tham gia bảo tồn là rất quan trọng.
Ông Cao Văn Đen - người uy tín trong cộng đồng dân tộc Raglai ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết, bà con Raglai nơi đây rất vui và tự hào khi vùng đất mình sinh sống từ hàng trăm năm qua được UNESCO ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì vậy mà ông cùng với bà con nơi đây luôn nêu cao ý thức bảo vệ rừng.
"Chúng tôi vận động để cho bà con mình giữ rừng cho tốt trong khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa. Đặc biệt giờ rừng của mình là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cho nên làm sao vận động cho bà con có ý thức chấp hành tốt hơn trước đây, giữ cho nó tốt càng tốt hơn; để sau này có rừng xanh và thú rừng vẫn còn tồn tại ở Vườn Quốc gia Núi Chúa" - ông Cao Văn Đen nói.
Để mùa xuân mãi ở lại với Vườn
Do lâm phần của Vườn Quốc gia Núi Chúa được bao quanh bởi hệ thống các tuyến đường tỉnh lộ và quốc lộ, nên lâm phần gần như không có cửa rừng, mà chỗ nào cũng có thể trở thành cửa rừng cho "lâm tặc". Tài nguyên rừng luôn đặt trong tình trạng bị đe dọa cao và có thể xảy ra thiệt hại bất kỳ lúc nào, địa điểm nào. Do vậy, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, thành lập các chốt bảo vệ rừng lưu động trên các tuyến đường, lực lượng chức năng gắn chặt với địa phương để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân sống trong vùng đệm.
Ông Nguyễn Hàn - Trưởng thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải cho biết: "Vườn Quốc gia Núi Chúa có phối hợp với thôn Thái An, xã Vĩnh Hải tổ chức nhiều buổi họp dân, tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Thành lập mỗi thôn có một đội chữa cháy rừng. Đến nay, người dân thôn Thái An đã nâng cao ý thức bảo vệ rừng".
Để người dân sống trong vùng đệm có thêm thu nhập, giảm xâm hại cho rừng, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã xây dựng nhiều mô hình sinh kế bền vững. Cụ thể như, hỗ trợ đồng bào Raglai ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang, trên địa bàn xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải phát triển du lịch sinh thái; thành lập các tổ thủ công mỹ nghệ, tổ múa Mã la, tổ hướng dẫn... phục vụ du khách.
Ông Trần Văn Tiếp - Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, kết quả thu được từ mô hình trên khá khả quan: "Chúng tôi luôn đặt mục tiêu làm sao cho người dân có được sinh kế gắn vào rừng. Những năm trước khi có dịch COVID-19, thời du lịch phát triển mạnh, chúng tôi xây dựng mô hình cộng đồng cùng tham gia du lịch. Du lịch tạo được sinh kế khá bền vững, đây là hướng đi mới, tạo công ăn việc làm, làm thay đổi quan điểm, nhận thức từ một cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, thay vào đó cùng phát triển và bảo vệ rừng".
Không chỉ chú trọng bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển, Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận còn khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió ở đây để phát triển du lịch. Theo bà Phạm Thị Thanh Hường - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tỉnh sẽ khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, đặc thù về nắng và gió để phát triển các sản phẩm du lịch trên không và dưới nước, hình thành các tour du lịch sinh thái và các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thân thiện với môi trường…
Bà Phạm Thị Thanh Hường nói: "Sở cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo cho hiệp hội du lịch cũng như phối hợp với các địa phương làm sao xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh cao. Ở đó có vịnh Vĩnh Hy, có suối Lồ Ồ, có hang Rái và hiện nay nằm trong tour tuyến du lịch được tỉnh và ngành du lịch tổ chức cho khách đến tham quan".
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là quá trình lâu dài và còn rất nhiều việc cần làm trong thời gian tới. Quá trình này đòi hỏi sự chung tay, góp sức và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan cùng cộng đồng dân cư sống gắn bó từ bao đời nay ở vùng đệm./.