Thời điểm khách sạn Menrva (Hải Phòng) dừng hoạt động thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 70% nhân viên của khách sạn phải nghỉ việc hoặc chuyển công việc khác. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch hoạt động trở lại nhưng chỉ 30% số lao động này quay lại với doanh nghiệp; số còn lại đã tìm được công việc mới ổn định nên không muốn thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Thùy Chi - Phụ trách nhân sự khách sạn Menrva cho biết doanh nghiệp đang thiếu nhân lực tại tất cả các vị trí: "Tháng 6 vừa rồi, ngành du lịch chuyển mình một cách ngoạn mục thì nguồn nhân lực lại đang thiếu. Có rất nhiều hình thức để tuyển dụng như tuyển trên mạng, qua trung tâm… nhưng cốt lõi vẫn là mức thu nhập. Với mức lương hấp dẫn quá cũng là cái khó cho doanh nghiệp mới quay trở lại hoạt động. Chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra những người hiểu được hoàn cảnh hoạt động lại sau COVID-19, họ sẽ chung tay cùng với doanh nghiệp".
Tình trạng nhân lực của khách sạn Menrva không phải là cá biệt của ngành du lịch, dịch vụ hiện nay. Tuyển dụng được nhân viên đã khó, tuyển dụng được lao động có kinh nghiệm, có chuyên môn nghiệp vụ càng khó khăn hơn. Bà Đào Thị Vân Anh - Quản lý nhân sự khách sạn Kovie Hải Phòng thường xuyên liên hệ với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn... nhưng dường như vấn đề tâm lý của 2 năm Covid-19 vẫn khiến nhiều sinh viên ngại ngần.
"Sau 2 năm dịch bệnh, nhiều người hình dung về ngành du lịch là nghề không bền vững nên hiện giờ họ rời bỏ ngành dịch vụ du lịch rất nhiều. Thiếu người làm thì tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ không thể đảm bảo được. Cho nên, sự cần thiết bây giờ là chúng ta phải đào tạo những nguồn nhân lực trẻ, nhân lực mới cũng như bồi dưỡng thêm cho những nhân lực đã và vẫn đang gắn bó với ngành du lịch" - bà Đào Thị Vân Anh nói.
Thiếu nhân lực khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch buộc phải tuyển nhân viên mới, chưa có kinh nghiệm và khắc phục bằng các chương trình đào tạo nội bộ. Ông Trần Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết để gỡ khó trước mắt, Sở Du lịch Hải Phòng đã phối hợp Tổng cục Du lịch và các đơn vị đào tạo du lịch tổ chức các khóa nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch.
"Vừa rồi, phòng Lưu trú (Sở Du lịch Hải Phòng) đã tổ chức được 3 khóa đào tạo nghiệp vụ buồng, bàn, lễ tân. Các khóa đào tạo rất cấp thiết giúp các nguồn nhân lực mới có thêm kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong ngành du lịch. Hiện chúng tôi đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp du lịch, một là tập trung tuyển dụng nguồn cung, thứ hai là tăng khả năng cạnh tranh. Chúng tôi cũng liên kết những tổ chức đào tạo tuyển dụng ở các tỉnh, thành mà khả năng cung ứng nguồn nhân lực tốt như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình…" - ông Trần Văn Ngọc nói.
Không chỉ tại Hải Phòng mà nhiều địa phương khác cũng gặp tình trạng thiếu nhân lực sau khi du lịch hoạt động trở lại. Bà Trần Nữ Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á cho biết ngành du lịch các địa phương như Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai, Thái Nguyên… đã phối hợp với đơn vị này để tổ chức các lớp đào tạo, chuẩn hóa lao động ngành du lịch theo tiêu chuẩn nghề quốc gia.
Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, dịch bệnh kéo dài khiến lao động chuyên nghiệp chuyển việc rất nhiều, lại không thực hành nghề trong suốt 2 năm, còn những người mới thì lại không tiếp cận nhiều với nghề. Cho nên, việc chuẩn hóa lại các tiêu chuẩn nghề cho ngành du lịch và khách sạn là rất quan trọng. Các sở quản lý du lịch đang tập trung chuẩn hóa lại tiêu chuẩn nghề quốc gia cho tất cả các nghiệp vụ chủ yếu trong khách sạn, cũng như các đơn vị khác trong ngành du lịch.
Du lịch phục hồi mạnh mẽ là tín hiệu tốt, nhưng để du lịch đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng kinh tế thì chất lượng phục vụ phải được đặt lên hàng đầu. Không chỉ nhân viên các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh mà những người làm du lịch nói chung phải chú trọng hơn nữa việc đào tạo, nâng cao tay nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong cách làm, cách tiếp cận thị trường và làm mới sản phẩm. Có như vậy ngành du lịch - dịch vụ mới phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch./.