“Phát huy sức mạnh mạng lưới doanh nghiệp toàn cầu” là chủ đề cuộc hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ I-2019 do Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc (VIBAK) phối hợp tổ chức sáng nay (8/6), tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Songdo, Inchơn, Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT và Du lịch) cho biết, năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu khách nội địa, tạo ra 800.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch.  Tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 8,39% GDP, xuất khẩu du lịch đạt 17 triệu USD, chỉ sau xuất khẩu điện thoại và các linh kiện điện tử (45,2 tỷ USD), hàng dệt may (26,1 triệu USD)…

Đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu đón 32 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 1.400.000 tỷ đồng, đóng góp 11,6% GDP cả nước.

toan_canh_vov_vuzq.jpg
 

Bà Hương cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Việt kiều là rất quan trọng. Ngành du lịch Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp kiều bào đầu tư về quê hương, phát triển hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ tiên tiến của ngành du lịch.

“Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác kinh doanh, đầu tư phát triển du lịch Việt Nam”- bà Hương nhấn mạnh.

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Quang Chính, Chủ tịch tập đoàn Salo, Cộng hoà Liên bang Đức cho rằng, trong những năm vừa qua, Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Đặc biệt mới hôm qua, Việt Nam được bầu là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối; đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan… tạo sự phấn khởi cho người dân Việt Nam trong và ngoài nước.

Ông Chính cũng như nhiều đại biểu trăn trở, Hàn Quốc không có tài nguyên khoáng sản, nhưng vì sao họ phát triển mạnh. Sau 30 năm Hàn Quốc phát triển vượt bậc. Điều đó chúng ta cũng nên có suy nghĩ. Một trong những giải pháp là làm sao liên kết được bà con người Việt trong và ngoài nước để phát huy sức mạnh tổng thể. 

“Về lĩnh vực du lịch, chúng ta cũng nên có những cải thiện để thu hút tốt hơn du khách. Đơn cử như về du lịch biển của Việt Nam, môi trường còn chưa thực sự tốt, biển của mình còn bẩn quá, làm sao phải làm sạch môi trường để thu hút hơn nữa vào lĩnh vực này. Cùng với đó có cải thiện về an toàn thực phẩm. Làm được những việc này sẽ thu hút khách du lịch tốt hơn và người dân được sống trong một môi trường xanh, sạch, đẹp”- ông Chiến nói.

Bà Phùng Kim Vy, kiều bào Canada cũng chia sẻ, bà rất phấn khởi về những thành tựu của đất nước trong thời gian qua. Nhưng riêng về du lịch, đang mỗi nơi phát triển mỗi kiểu, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng làm du khách khá lo lắng.

"Sau gần 20 năm đi lại giữa Việt Nam và Canada, thực sự tôi thấy vấn đề vệ sinh môi trường chưa được cải thiện nhiều. Đường phố, các khu du lịch vẫn còn khá mất vệ sinh. Để phát triển du lịch một cách bền vững, chúng ta cần phải có chiến lược, tập trung nhân lực để làm du lịch một cách bài bản, liên kết các địa phương để tạo ra một sự tổng thể"- bà Vy nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT và Du lịch)

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận những tồn tại các đại biểu đặt ra vì thời gian vừa qua tăng trưởng du lịch khá nóng, kèm theo các vấn đề về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tổng Cục cũng đã có giải pháp sẽ giãn ra các điểm du lịch khác để không bị dồn vào một vài điểm, để quản lý các vấn đề về du lịch tốt hơn. Tổng Cục đang làm việc với các Bộ ngành để cải thiện những tồn tại của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cũng cho rằng, phát huy thế mạnh kiều bào là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bộ Công thương sẵn sàng làm cầu nối để kiều bào kết nối về đóng góp, phát huy các thế mạnh của bà con, ứng dụng những sáng chế, thành quả của bà con trong phát triển đất nước, cải thiện đời sống cho người dân trong nước./.