Vui- buồn qua những con số

Cùng với những thành tựu của quá trình đổi mới, với sự quan tâm chú trọng phát triển du lịch, với những lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch, ngành du lịch nước ta đã có những bước phát triển đáng kể cả về tốc độ phát triển lẫn các yếu tố chất lượng, tạo nền tảng cho du lịch Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Trong bài phát biểu Khai mạc Festival Huế 2012, ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tính chung cho giai đoạn 2001-2010, số khách quốc tế đến nước Việt Nam đạt gần 35 triệu lượt người, tăng bình quân mỗi năm 9%, khách trong nước tăng 4,6 lần. Riêng năm 2010, đã đạt 5 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách trong nước; năm 2011 đã đạt trên 6 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu khách trong nước.

Có thể nói, du lịch Việt Nam đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Du-khach.jpg

Du khách xem biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên tại Festival Huế 2012

Tại Hội thảo khoa học liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh duyên hải Miền Trung diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế 2012, PGS.TS Bùi Thị Tám (Khoa Du lịch – Đại học Huế) dẫn số liệu báo cáo Chỉ số cạnh tranh ngành du lịch và lữ hành của World Economic Forum cho thấy, chỉ số cạnh tranh chung của du lịch Việt Nam đang được cải thiện khá nhanh chóng: từ vị thứ 96 (năm 2008), lên thứ 89 (năm 2009) và thứ 80 (năm 2011).

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu lẽ ra được coi là lợi thế của du lịch Việt Nam thì lại không được đánh giá cao. Nhiều nhóm chỉ tiêu quan trọng nhưng lợi thế cạnh tranh lại thấp, như: các chỉ tiêu về vận tải đường bộ (77/139), hạ tầng du lịch (110/139), thái độ của người dân với du khách (97/139)…

Đặc biệt, trong nhóm 10 chỉ số đánh giá khả năng cạnh tranh nguồn lực thì chỉ có chỉ số về thuê mướn và sa thải nhân công được đánh giá là có lợi thế, trong khi đó tính có sẵn của dịch vụ đào tạo và nghiên cứu xếp 104/139.;tính bền vững môi trường của phát triển du lịch và lữ hành xếp thứ 63/139!

Bài toán về nguồn nhân lực du lịch

Số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy, nếu năm 2001 chỉ có khoảng 109.000 lao động du lịch trực tiếp và 221.000 lao động gián tiếp, thì đến năm 2008 con số này tương ứng là 425.000 và 1,075 triệu. Dự báo đến năm 2015 sẽ có 620.000 lao động trực tiếp, 1,6 triệu lao động gián tiếp, và đến năm 2020 sẽ là 870.000 và 2,2 triệu.

Về chất lượng nguồn nhân lực đánh giá theo trình độ được đào tạo cho thấy, tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch đang từng bước được cải thiện nhanh chóng, chiếm khoảng 42,5% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, điều tra của Chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cũng cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực nói chung còn hạn chế theo nhiều phương diện. Ở một số địa phương vẫn có đến 80% lao động chưa được đào tạo về du lịch, trình độ ngoại ngữ vẫn rất hạn chế. Nhiều vị trí công việc thiếu trầm trọng chuyên gia và quản lý chuyên nghiệp như cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, quản lý kinh doanh, quản trị chiến lược, nghiên cứu phát triển, nhân viên có kỹ năng tay nghề cao…

Thực trạng này càng phổ biến ở các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ hay hộ gia đình. Trên thực tế tỷ lệ các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ lại chiếm tỷ lệ khá lớn gần 90%, thì chất lượng dịch vụ du lịch và hình ảnh của điểm đến du lịch phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. Do vậy, bên cạnh việc quan tâm đúng mức đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thì các vấn đề về chuẩn mực và quy định trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch đối với loại hình doanh nghiệp này có vai trò quan trọng.

Có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nhưng Việt Nam vẫn chưa tạo được một điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn (Ảnh: Điện Thái Hòa nhìn từ lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn, Hoàng thành Huế)

Theo PGS.TS Bùi Thị Tám (Khoa Du lịch – Đại học Huế),để thấy rõ hơn vấn đề cốt lõi trong việc đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao ngành du lịch, thì những con số trên cũng chỉ mới cho thấy một phần của “tảng băng nổi”, nhưng chưa cho thấy điều quan trọng hơn đó là mức độ phù hợp giữa nghề được đào tạo và công việc mà họ đảm trách, và từ đó là mức đảm bảo chất lượng công việc. Vì trên thực tế, tỉ lệ người được đào tạo ra phải làm trái ngành là không hề nhỏ.

Có thể thấy mặc dù các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa được đánh giá khá cao, nhưng nếu thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp – điều kiện quan trọng để cải thiện chất lượng dịch vụ, nếu người dân không thân thiện với du khách, cơ sở hạ tầng du lịch chậm cải thiện thì việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thành điểm đến có đẳng cấp khu vực và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế là điều khó thực hiện.

Muốn lên đẳng cấp phải có đột phá

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ mục tiêu “đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật đồng bộ, hiện tại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Việt Nam thành quốc gia có ngành du lịch phát triển”.

Mục tiêu cũng được đặt ra là đưa ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng bình quân đến năm 2020 đạt khoảng 12%/năm; đến năm 2020, sẽ đạt hơn 10 triệu lượt du khách quốc tế và 48 triệu lượt du khách trong nước với tổng thu nhập khoảng 20 tỷ USD; tạo thêm 3 triệu việc làm và đóng góp từ khoảng 7% vào tăng trưởng GDP cả nước.

Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2015 đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản như: 70-80% cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương được đào tạo chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc; 60-70% cán bộ quản lý và giám sát của doanh nghiệp phải được đào tạo chuyên sâu du lịch; 60% lao động phục vụ được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học...

Theo PGS.TS Bùi Thị Tám, đây là những tín hiệu đáng mừng trong tiến trình phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, với 3 năm còn lại để thực hiện những mục tiêu trên thì rõ ràng cần phải có những chiến lược đầu tư và giải pháp mang tính đột phá mới có thể thực hiện được, nếu không chỉ tiêu vẫn chỉ là những mong muốn chủ quan./.