Hoa ban, hoa đào hé nụ báo hiệu mùa xuân đã đến. Trong nắng xuân, những bản làng vùng cao Tây Bắc đẹp đến nao lòng, với những mái nhà sàn ngói đỏ chen giữa sắc thắm của hoa Đào, màu trắng tinh khôi của hoa Mơ, hoa Mận. Từ khi người dân được trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch ở địa phương qua mô hình du lịch cộng đồng, vẻ đẹp của bản mường càng được chắp cánh bay cao, bay xa, đọng mãi trong lòng mỗi du khách khi có dịp ghé thăm.

“Tôi chưa từng được trải nghiệm đến một địa phương vùng cao nào như thế này bao giờ. Tôi thích được tiếp xúc mọi người và khám phá văn hóa. Tôi đã được mở mang rất nhiều thứ; được thấy cách mà con người nơi đây sinh sống; được ngắm nhìn thiên nhiên và cảnh vật cũng như động vật địa phương. Tôi cũng đã dùng bữa tối và trải nghiệm ẩm thực của địa phương. Chủ nhà  rất quan tâm chăm sóc chúng tôi. Cảm ơn vì đã mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm này”.

tay_bac_vyyo.jpg

Hoa anh đào giữa núi rừng Tây Bắc

Đó là cảm nhận của chị Nicola Robeet, nữ du khách đến từ nước Anh khi được tham quan, trải nghiệm một số bản văn hóa du lịch tại các tỉnh khu vực Tây Bắc. Không riêng chị Nicola Robeet, mà phần lớn các du khách, kể cả khách quốc tế và trong nước đều có chung cảm giác thích thú, hứng khởi khi được hòa mình cùng nhịp sống và sắc màu văn hóa của người dân bản địa.

Xác định du lịch cộng đồng là loại hình du lịch hấp dẫn tại Tây Bắc, những năm qua, các địa phương trong khu vực đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển các bản văn hóa du lịch, với mục tiêu mỗi năm đón và phục vụ 20 đến 30% tổng lượng khách du lịch đến địa phương. Điển hình như Điện Biên – vùng đất có quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, cùng nhiều bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo đã sớm phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với lịch sử. Quá trình triển khai đã cho thấy những hiệu quả đáng mừng.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: “Cách đây hơn chục năm, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành đã tham mưu cho tỉnh đầu tư vào các bản văn hóa để phát triển du lịch. Dịp đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng 8 bản văn hóa. Qua hơn chục năm duy trì và phát huy việc thu hút khách du lịch đến các bản văn hóa, chúng tôi thấy đây chính là mô hình cần quan tâm phát triển. Cho nên, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh tiếp tục xây dựng 10 bản văn hóa nữa. Hiện nay các bản văn hóa này đã có những khởi động. Chúng tôi hy vọng sau khi các bản văn hóa này đầu tư theo đúng kế hoạch thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch đến với Điện Biên”.

Có 30 dân tộc anh em chung sống, Yên Bái cũng chọn phát triển du lịch cộng đồng - một loại hình du lịch còn khá mới ở Việt Nam là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Từ sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên năm 2005 tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình với 10 hộ tham gia, đến nay sau hơn 10 năm hoạt động, du lịch cộng đồng đã phát triển rộng khắp các địa phương có tiềm năng về cảnh quan và giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh với gần 120 hộ làm du lịch cộng đồng.

Theo người dân ở đây, du lịch cộng đồng không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho bà con thôn bản, mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc.

Chị Hoàng Thị Loan, dân tộc Thái, hộ dân làm du lịch ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, bình quân 1 tháng, gia đình chị có khoảng 100 lượt khách đến ăn, nghỉ, tham quan. Đến đây, du khách được tìm hiểu những tập quán, thăm thú cảnh quan thiên nhiên, được trực tiếp tham gia cấy lúa, gặt lúa, được thưởng thức các món ăn đặc sắc của địa phương như: xôi màu ngũ sắc, các loại thịt sấy và rau rừng; được hát, múa và đắm say trong vòng xòe đêm hội với đồng bào các dân tộc.

Chị Hoàng Thị Loan nói: “Là một hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, chúng tôi cũng đã cố gắng tìm tòi và lưu giữ những món ăn ẩm thực của dân tộc để giới thiệu với du khách khi họ đến thăm gia đình và thăm thôn bản. Các món ăn dân tộc Thái của chúng tôi nói chung được du khách rất hài lòng, để lại nhiều ấn tượng”.

Một tin vui cho thấy, du lịch cộng đồng đang mang lại hiệu quả và là hướng đi đúng của vùng Tây Bắc, khi trong năm 2017, khu vực Tây Bắc mở rộng có tới 3 trong tổng số 5 đơn vị homestay của Việt Nam đạt danh hiệu giải thưởng ASEAN, bao gồm cụm homestay Tả Van Giáy 1 (Làng Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai); Cụm homestay xã Mai Hịch (xóm Hịch 2, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình); Dao homestay (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, tỉnh Hà Giang).

Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2017 cho biết: “Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Lào Cai đã xây dựng đề án. Trong đó, chúng tôi tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc hữu trên địa bàn tỉnh Lào Cai như du lịch cộng đồng, du lịch gắn với chinh phục đỉnh núi cao, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch dọc sông Hồng cùng với tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Hiện nay, chúng tôi cũng đang quy hoạch lại khu vực Sa Pa, mở rộng thêm diện tích, tiến tới sẽ nâng thành thị xã Sa Pa theo chủ trương đã được Thủ tướng đồng ý cho phép xây dựng Đề án này”.

Với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, mùa xuân là mùa mang đến nhiều niềm tin, niềm vui mới, để rồi họ sẽ tiếp tục đoàn kết, cùng nhau phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng và níu chân du khách gần xa./.