Tạo thuận lợi về chính sách để thu hút đầu tư

Theo ông Phan Quốc Anh – nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, du lịch Ninh Thuận mới chỉ được biết đến hơn 10 năm nay.

"Lượng phòng trước đây khi Ninh Thuận bắt đầu khai thác du lịch tăng chậm. So với Khánh Hoà, Bình Thuận và Lâm Đồng nơi đây là vùng trũng, số lượng phòng và khách thấp hơn. Bắt đầu từ 2010 Ninh Thuận mới phát triển du lịch, đặc biệt từ lúc khách Nga về Ninh Thuận vào năm 2011", ông Phan Quốc Anh nói.

Từ biển Bình Sơn – Ninh Chữ, đến nay không gian du lịch của Ninh Thuận ngày càng mở rộng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hấp dẫn du khách như: Tháp Pô Klong Garai, vịnh Vĩnh Hy, Mũi Dinh, Cà Ná... Bên cạnh đó, các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cũng đa dạng hơn như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, khám phá thiên nhiên tại vườn Quốc gia Phước Bình và vườn Quốc gia Núi Chúa,…

Để phát triển mạnh “ngành công nghiệp không khói” này, trong những năm qua, Ninh Thuận đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Lê Kim Hoàng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương rất quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch.

Tính đến đầu năm 2022, Ninh Thuận có 57 dự án dịch vụ du lịch được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 184 cơ sở lưu trú du lịch với trên 4.140 phòng, số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%.

Ông Lê Kim Hoàng cho biết: "Ninh Thuận áp dụng khung cao nhất để ưu đãi các nhà đầu tư. Tạo điều kiện tốt nhất trong thủ tục đầu tư và chính quyền luôn  đồng hành cùng nhà đầu tư".

Chiến lược du lịch thân thiện với môi trường

Là địa phương phát triển du lịch khá muộn nên Ninh Thuận tránh kiểu làm du lịch “ăn xổi ở thì”, “bóc ngắn cắn dài”. Địa phương này đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch cao cấp và thân thiện với môi trường. 

Theo các chuyên gia về du lịch, đây là hướng đi đúng đắn. Ông Alain Nguyễn – Tổng Giám đốc Hoàn Mỹ resort Phan Rang cho biết: "Du lịch của Ninh Thuận tuy trễ hơn so với các địa phương khác nhưng tôi tin rằng nếu đi đúng hướng, chậm mà chắc, không phát triển quá mức, vừa đủ vừa tầm, giữ nguyên bản sắc địa phương, bản sắc dân tộc và môi trường của địa phương".

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2019 trung bình mỗi năm lượt khách đến với Ninh Thuận tăng bình quân từ 12-18%/năm.

Từ 2011 đến nay có thể khẳng định là giai đoạn "bứt phá" về tăng trưởng khách du lịch và thu nhập của ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận, song so với tiềm năng thì đây vẫn là con số khá khiêm tốn khi vẫn còn đó những hạn chế như: Cơ sở lưu trú còn quá mỏng và nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu. 

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Có những sự kiện, những chương trình tập trung khách du lịch đông thì Ninh Thuận không đủ phòng. Hiện tại chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh đầu tư, thu hút các doanh nghiệp vào trong này. Nhất là tập trung các resort, tăng số lượng phòng. Rồi dịch vụ Ninh Thuận vẫn còn khó khăn, rất thiếu"

Tiếp tục phát huy lợi thế về tiềm năng, sớm khắc phục những tồn tại, ngành du lịch Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách vào năm 2025, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng.

Để làm được điều này, tỉnh cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đầu tư phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển du lịch trên địa bàn./.