“Nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa khai thác hiệu quả, Lạng Sơn cần có các giải pháp cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; ưu tiên, ban hành cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư về du lịch” là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2018 do Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức.
Với gần 600 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh cùng hơn 340 lễ hội văn hóa dân gian lớn nhỏ khác nhau, Lạng Sơn vẫn chưa thực sự là điểm đến níu chân du khách. Khách du lịch đến Lạng Sơn lưu trú không nhiều, chủ yếu tham quan chợ và mua sắm hàng hóa giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, trong thời gian tới, Lạng Sơn phải gắn phát triển thương mại biên mậu với du lịch, phát huy lợi thế sẵn có từ những di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, đặc sản riêng có, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Do du lịch Lạng Sơn còn chưa phát triển nên cần chú ý tới cách làm để hình thành được chuỗi liên kết du lịch. Du lịch Lạng Sơn phải có nét riêng, tạo thế cạnh tranh khác biệt, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án hạ tầng du lịch, nhất là khách sạn, các khu vui chơi giải trí, chứ không chỉ đi chợ Lạng Sơn rồi về.
Ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội cho rằng: “Đối với một địa phương như Lạng Sơn thì phát triển du lịch bây giờ vẫn đang ở giai đoạn ban đầu. Phải bảo tồn nét nhân văn, văn hóa và chú trọng cả mảng môi trường nữa. Lạng Sơn có tiềm năng phát triển rất là tốt vì địa chính trị, địa kinh tế,chính trị, văn hóa xã hội của Lạng Sơn rất là tốt”./.