Sau thời gian dài hiện diện mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam, trong những năm gần đây, lĩnh vực du lịch sinh thái, trải nghiệm lại được các cấp, các ngành trong tỉnh Đồng Tháp dành cho sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, du lịch nơi đây vẫn phát triển chậm chưa tương xứng với tiềm năng khi sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Đây là trăn trở của tỉnh trong việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiềm năng du lịch vươn lên phát triển.

Được đưa vào hoạt động khoảng 1 năm trở lại đây, cánh đồng sen hàng chục ha ở huyện Tháp Mười ngày một thu hút nhiều hơn khách phương xa tìm đến. Thiên nhiên bao la, cảnh vật hài hòa, chân chất miền quê đã làm cho nhiều du khách đắm mình vào tự nhiên. Không chỉ được ngắm đồng sen mênh mông, du khách đến đây còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của miền sông nước như cá lóc nướng cuốn lá sen non, chuột đồng quay...

sen1_mdgp.jpgCó nhiều lợi thế khai thác nhưng Đồng sen Tháp Mười còn hạn chế về nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển du lịch

Do lượng khách đến một nhiều hơn nên các hộ dân nơi đây đã tự phát mở thêm các cánh đồng sen và tự đầu tư các chòi nghỉ mát rải rác trên đồng cùng các dịch vụ cho thuê quần áo bà ba, nón lá cho du khách chụp ảnh hay xuồng và cần câu cá để khách thư giãn. Và cũng chính vì thế mà nhiều du khách khi đến đây đã không khỏi thất vọng khi đội ngũ làm du lịch địa phương kém chuyên nghiệp và khó có thể cung cấp thông tin về lịch sử vùng đất này cũng như những câu hỏi về một Đồng Tháp mười bao la, hoang sơ trong suy nghĩ du khách.

Anh Nguyễn Trường Giang, chủ một điểm du lịch đồng sen ở Tháp Mười thừa nhận: “Đội ngũ hướng dẫn xuất phát từ nông dân, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên những kinh nghiệm hay kiến thức về du lịch còn hạn chế. Chúng tôi có tập huấn cho họ khi tuyển vào đây, nhưng chưa có sự hỗ trợ của chính quyền để mở ra các lớp hướng dẫn du lịch”.

Nhắc đến Đồng Tháp, du khách đã nói nhiều đến những món ăn có thể làm quà không lẫn vào đâu được so với sản vật từ các vùng miền khác. Đó là nem Lai Vung, bánh phồng tôm Sa Giang, món ăn làm từ bột gạo và các loại trái cây như quýt hồng Lai Vung, xoài cát Cao Lãnh, hạt sen Tháp Mười.v.v.. Đặc biệt, càng phấn khởi hơn khi đặc sản nem Lai Vung được trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận vào Top 14 đặc sản nổi tiếng và giá trị Việt Nam năm 2012.

Năm 2013, hai đặc sản của tỉnh Đồng Tháp là “Nem Lai Vung” và “Bánh phồng tôm Sa Giang” tiếp tục lọt vào Top 50 đặc sản Quà tặng Việt Nam lần thứ nhất. Thế nhưng hiện nay, khi du khách đến với các khu du lịch của Đồng Tháp thì vẫn “đỏ mắt” để tìm những món quà như thế để biếu tặng cho gia đình và người thân.

Du khách nước ngoài đến mua vé tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc trong khi nhiều nhân viên cứ “vô tư” với chiếc điện thoại di động...

Bà Lê Thị Liên, một du khách đến từ vùng đất Tây nguyên cho biết: “Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì vài năm gần đây, Đồng Tháp thu hút lượng du khách đến tham quan ở tốp đầu khu vực ĐBSCL nhưng nguồn thu từ dịch vụ du lịch lại ở những thứ hạng cuối trong 13 tỉnh, thành trong khu vực. Điều này rất đáng để đội ngũ kinh doanh du lịch ở Đồng Tháp suy ngẫm”.

Thành phố Cao Lãnh gần đây đã hình thành một cửa hàng giới thiệu và kinh doanh các mặt hàng mang tính đặc trưng Đồng Tháp. Tuy nhiên, quanh quẩn cũng chỉ một vài món đặc sản ẩm thực như trà sen, rượu sen, hình bé sen cách điệu.v.v.. Trong khi đó, ngoài những sản phẩm này, tâm lý du khách mong muốn có những sản phẩm hàng lưu niệm mang tính đặc trưng hơn của vùng đất sông nước.

Bà Nguyễn Thị Lài, Phó giám đốc Công ty cổ phần đặc sản Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi đang liên hệ với các cơ sở, mong muốn là những mẫu mã đó sẽ làm theo quy cách quà tặng mà chúng tôi sẽ đưa ra để sản xuất theo yêu cầu của chúng tôi. Bởi là quà tặng du lịch thì gọn nhẹ nhưng phải có tính thẩm mỹ”.

Để xây dựng được thương hiệu du lịch vững chắc trong lòng du khách và tạo sự khác biệt, ngành du lịch Đồng Tháp cần tập trung hơn nữa trong việc tiến hành phân công và xây dựng các sản phẩm riêng cho từng khu, điểm du lịch với phương châm mà ngành du lịch tỉnh đã đặt ra là “nụ cười của du khách chính là thành công của du lịch tỉnh”. Qua đó, du lịch vùng đất Sen hồng sẽ từng bước tạo được những bước phát triển phù hợp với tiềm năng, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành trong thời gian tới./.