Dịch bệnh Covid-19 khiến Sunny Beach Resort ở Mũi Né, Bình Thuận đối mặt với muôn vàn khó khăn. Doanh thu giảm sâu, trong khi đó mọi chi phí cho hoạt động của đơn vị vẫn phải chi trả.

Khi Việt Nam đẩy lùi dịch Covid-19, doanh nghiệp đã quyết định bỏ ra 20 tỷ đồng để tu bổ cơ sở vật chất, làm mới và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để chuẩn bị cho mùa du lịch hè này.

du_lich.jpg

Trượt nước bằng dù lượn - Thể thao trên biển Mũi Né

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc điều hành Sunny Beach Resort ở Mũi Né cho biết, đơn vị đang tổ chức một số gói sản phẩm như “Bình Thuận tôi yêu” để kích cầu nội địa. 

"Chúng tôi cũng đồng hành cùng địa phương, cùng tỉnh nhà muốn mang các sản phẩm du lịch để cùng nhau trong thời điểm này bắt tay giữ vững, phát triển ngành du lịch không khói này. Trong giai đoạn này, đối với đơn vị Sunny chúng tôi đặt chất lượng chăm sóc phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Vì trong giai đoạn này, khách hàng còn, đã và đang đến ủng hộ không chỉ cho Sunny mà cho cả Mũi Né thì đó là điều đáng trân quý", bà Lê Thị Mỹ Hạnh chia sẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Bình Thuận ước đón hơn 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 156 ngàn lượt, khách nội địa gần 1,4 triệu) lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 4.652 tỷ đồng, đạt 26,1% kế hoạch năm 2020) , giảm 37,4% so với cùng kỳ 2019.

Hiện, khách du lịch đã bắt đầu quay trở lại Bình Thuận. Và để kích cầu khách du lịch nội địa, vừa qua Bình Thuận đã phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” năm 2020. Bên cạnh đó, còn ký kết chương trình hợp tác kích cầu du lịch Bình Thuận – Lâm Đồng, giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình “Oh wow! Mũi Né” để các doanh nghiệp lữ hành tỉnh Lâm Đồng kết nối, xây dựng chương trình du lịch đưa du khách đến.

Bàu Trắng

Ông Võ Xuân Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình hợp tác địa phương này sẽ giúp du lịch của Bình Thuận thu hút khách nội địa. 

"Dịch bệnh đã tạo nên sự đoàn kết nhất trí cao giữa các cơ sở du lịch. Ai cũng ý thức được nguy cơ cao đối với ngành du lịch cũng như những thiệt hại. Cho nên, tất cả các doanh nghiệp du lịch rất cố gắng, không những cố gắng trong ngành mình mà còn đoàn kết tạo mối quan hệ tốt với các ngành dịch vụ khác. Từ đó, mới tạo ra được sự đồng thuận để chúng ta cùng nhautạo nên những thành công trong thời gian tới", ông Võ Xuân Nghĩa cho hay.

Ngoài ra, vào giữa tháng 8 tới, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận còn tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM diễn ra tại Hà Nội để giới thiệu, quảng bá cho du khách thủ đô về điểm đến Mũi Né – Phan Thiết – Bình Thuận.

Ngoài thực hiện các chương trình kích cầu du lịch thì chính quyền cũng cần có những biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn sau đại dịch hiện nay.

Phú Quý - Điểm đến mới của Bình Thuận

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận kiến nghị: "Về vấn đề này chúng tôi cũng đã kiến nghị với chính quyền địa phương cũng như Sở VH-TT, DL trong lúc này các doanh nghiệp rất khó khăn, cho nên vấn ngân sách dùng để đi xúc tiến quảng bá thì cũng kêu gọi sự hỗ trợ của Sở VH-TT, DL cũng như UBND tỉnh Bình Thuận. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã báo cáo đến UBND tỉnh và hiện nay Sở VH-TT, DL cũng đang làm các kế hoạch trình UBND tỉnh để phê duyệt bổ sung thêm ngân sách phục vụ công tác xúc tiến du lịch.

Tháp Pô Sag Inư - Nơi thu hút du khách khi đến với Bình Thuận

Việc kích cầu du lịch nội địa thời điểm này là chính sách cần thiết khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới. Cho nên, ngoài thực hiện các chương trình kích cầu, liên kết vùng trong du lịch thì tỉnh Bình Thuận cần đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có như vậy mới mong sớm giúp ngành du lịch của tỉnh phục hồi./.