Văn bản của Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc nêu rõ, phía PITDA sẵn sàng phối hợp toàn diện với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để thực hiện tốt nhất chủ trương đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới. Tuy nhiên PITDA mong muốn bổ sung, làm rõ một số nội dung để Kế hoạch số 200/KH-UBND khả thi và hiệu quả hơn.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Lê Ngọc Long – Phó Chủ tịch PITDA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Beach cho rằng UBND tỉnh Kiên Giang không nên giới hạn số lượng khách cho từng giai đoạn trong kế hoạch. Hiện nay theo kế hoạch, UBND tỉnh Kiên Giang đưa con số 3.000 - 5.000 khách/tháng trong giai đoạn 1 (từ 20/12/2021 – 20/3/2022) và 5.000 - 10.000 khách/tháng trong giai đoạn 2 (từ 20/3/2022 – 20/6/2022).
"Không nên hạn chế số lượng khách quốc tế, vì chỉ khi đông khách các khách sạn mới đủ chi phí hoạt động. Chỉ vài nghìn khách chia ra thì mỗi đơn vị không được là bao, so với số lượng khách sạn và phòng nghỉ hiện nay tại Phú Quốc" – ông Lê Ngọc Long nói.
Theo PITDA, UBND tỉnh Kiên Giang cần bỏ giới hạn này; còn để đảm bảo khả năng phòng chống dịch có thể giao các sở, ban ngành chuyên môn thẩm định kế hoạch ứng phó, phục vụ ít nhất tương tự như quy định đang áp dụng cho chuyến bay cách ly hiện tại. PITDA nêu trong văn bản: "Trong bối cảnh các công ty lữ hành, du lịch phải thuê các chuyến bay charter; đồng thời một số tỉnh, thành phố khác không giới hạn số lượng khách, điều này sẽ dẫn đến điều kiện kinh doanh tại Phú Quốc kém hiệu quả so với các điểm du lịch khác".
Ngoài ra, PITDA đề nghị tiếp tục áp dụng chính sách miễn visa 30 ngày cho người nước ngoài vào Phú Quốc theo Nghị quyết số 80/NQ-CP để tăng tính cạnh tranh, ưu đãi vốn có của hòn đảo này. Phía PITDA cũng mong muốn được làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng tại Kiên Giang để bàn kỹ phương án xử lý khi phát hiện các F0, F1 là nhân viên phục vụ hoặc khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú.
Văn bản của PITDA cũng đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang quy định rõ điều kiện bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có chi trả phạm vi dịch bệnh Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu; đồng thời nên xem xét cách áp dụng của các nước trên thế giới để tăng tính cạnh tranh. Các điểm điều trị Covid-19 nếu có ca nhiễm cần được quy hoạch, đồng thời cho phép áp dụng bảo hiểm y tế được mua kèm cho khách.
Vấn đề quy định rõ mức bảo hiểm y tế khi đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng được đề cập trong bản khuyến nghị của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), về “Những bài học kinh nghiệm quốc tế mở cửa du lịch an toàn”.
Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban Thư ký TAB dẫn chứng Thái Lan yêu cầu khách du lịch quốc tế mua bảo hiểm bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe và điều trị COVID-19 trong suốt thời gian ở Thái Lan với mức bảo hiểm không dưới 100.000 USD; còn Singapore quy định du khách cần phải có bảo hiểm du lịch cho các chi phí điều trị y tế và nhập viện liên quan đến COVID-19 của họ tại Singapore, với mức bảo hiểm tối thiểu là 30.000 SGD (khoảng 22.000 USD).
“Nếu chúng ta không yêu cầu rõ về mức bảo hiểm và nói rõ là bảo hiểm này phục vụ cho điều trị COVID-19, thì nhiều hệ lụy xấu có thể xảy ra nếu du khách bị lây nhiễm COVID-19 trong khi đi du lịch ở Việt Nam” – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết./.