Một tuần sau khi được mở cửa trở lại, vịnh Hạ Long có 3 chuyến tàu đưa khách tham quan. Dù tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách giảm, miễn vé tham quan vịnh kéo dài cả năm nhưng vẫn không thể kích cầu được du lịch khi người dân đã quá mệt mỏi với 4 lần dịch Covid-19 tái bùng phát.

Không có khách, đồng nghĩa với việc 500 con tàu trên vịnh Hạ Long "ngắc ngoải", với hàng loạt khó khăn đang đổ lên đầu doanh nghiệp có tàu du lịch. Nhiều tàu được rao bán, cũng có chủ tàu cố gắng xoay xở, bán các tài sản khác để duy trì chờ du lịch khôi phục. Tất cả đang mong chờ những cơ chế chính sách kịp thời, sát với thực tế để có thể gìn giữ đội tàu - hình ảnh đã trở thành biểu tượng của du lịch Quảng Ninh. 

Ông Trần Văn Hồng, Phó chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết: “Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh trên vịnh Hạ Long bây giờ là về tài chính. Vì tất cả các nguồn vốn vay đầu tư ngành du lịch là nguồn vay từ các ngân hàng thương mại và cổ phần. Có những doanh nghiệp, hộ cá thể đã bán hết tài sản, để trả nợ cho doanh nghiệp. Nhưng dịch bệnh kéo dài, đến giờ là không còn tài sản để bán nữa rồi”.

Trước những khó khăn này, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ vượt qua dịch Covid-19. Nguyện vọng của các chủ tàu là xin được được tái cơ cấu toàn bộ các món vay trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ giãn nợ theo Thông tư 03 ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được áp dụng trong thời gian rất ngắn, từ 3 đến 12 tháng. Trong khi đó, dịch bệnh kéo dài chưa biết hồi kết khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay, không có đủ thời gian khôi phục hoạt động để có tiền trả gốc và lãi vay. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ yêu cầu dồn các kì giãn nợ vào một kì cuối thì càng gây khó cho doanh nghiệp, vì khi không đủ nguồn để trả tất cả nợ gốc cùng lãi sẽ dẫn tới nợ xấu.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động, vay ngắn hạn bởi sau thời gian chống dịch, các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh "sức cùng lực kiệt". Ông Đào Mạnh Lượng, chủ một doanh nghiệp có tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long bày tỏ: “Một khoản vốn lưu động lúc này thực sự là cần thiết và có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp doanh nghiệp khởi động lại hoạt động kinh doanh sau thời gian sức cùng lực kiệt. Giống như một người không thở được cấp thêm ô-xi, vậy nên chúng tôi rất mong muốn chính sách này”.

Đến nay, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh đã khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới hơn 50.000 tỷ đồng cho gần 13.000 khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó, ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho 1.000 doanh nghiệp với khoảng 4.000 tỷ đồng; giảm 47 tỷ đồng tiền lãi cho 2.390 doanh nghiệp; cho vay mới 10.000 khách hàng.

Với các chủ tàu hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên vịnh Hạ Long, 22 ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ninh cũng đã cho 240 khách hàng vay 1.876 tỷ đồng. Mặc dù đã có nhiều tháo gỡ cho các doanh nghiệp, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp nên cần có những cơ chế chính sách dài hơi như kiến nghị của ông Nguyễn Văn Đoan, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh Quảng Ninh: “Chính sách của Thông tư 03, chỉ thực hiện giãn, hoãn cho doanh nghiệp đến hết năm nay. Với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng chính phủ cần có chính sách dài hơi và đồng bộ chứ không phải riêng 1 ngành, 1 lĩnh vực và phối hợp nhiều chính sách chứ không phải riêng 1 chính sách”.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nói riêng là việc làm cấp thiết. Việc này không chỉ giúp khôi phục, thúc đẩy khí thế chung cho bộ mặt dịch vụ của toàn tỉnh mà còn giúp duy trì và vực dậy đội tàu du lịch Hạ Long vốn đã dày công gây dựng trở thành thương hiệu du lịch quốc gia./.