vov_1_du_luon_xkny.jpg
Giải thi đấu dù lượn đường trường Putaleng mở rộng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã hoàn thành và Ban tổ chức đã xác lập nhiều kỷ lục như: bay xa nhất, cao nhất, thời gian bay lâu nhất.
Giải được tổ chức tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu do Câu lạc bộ dù lượn Vietwings (Việt Nam) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức.
Tham dự giải có hơn 80 vận động viên là phi công dù lượn đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaisia…; trong đó có 30 phi công người Việt Nam.
Tất cả các vận động viên được gắn camera hành trình trong quá trình bay. Ban tổ chức sẽ chấm điểm các vận động viên dựa trên dữ liệu GPS.

Không chỉ cánh mày râu, giải lần này có sự tham gia của phái đẹp khi có hơn 10 phi công nữ đến từ trong nước và quốc tế.

Giải có 3 ngày thi đấu chính thức và các vận động viên xuất phát từ bản Sì Thao Chải, xã Hồ Thầu có độ cao hơn 1.400 so với mực nước biển.
Điểm xuất phát thuộc dãy núi Putaleng, được mệnh danh là "nóc nhà thứ hai của Đông Dương".
 
Những năm trở lai đây, địa danh Putaleng đã được các vận động viên trong nước, quốc tế khám phá và trở thành điểm du lịch được yêu thích nhất của các du khách ưa mạo hiểm, trong đó có giới phi công dù lượn.
Hầu hết các vận động viên vđều rất vui mừng khi là những người đầu tiên tham gia một giải đấu thuộc tiên theo tiêu chuẩn của Hiệp hội thể thao hàng không quốc tế FAI.
Theo ông Hoàng Mộng Long, Chủ tịch Câu lạc bộ dù lượn Vietwings (Việt Nam), giải thi đấu lần này là sự kiện vô cùng đáng ghi nhớ của giới "dù thủ" trong nước và quốc tế, đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của môn thể thao dù lượn tại Việt Nam.
Các phi công phải hoàn thành chặng đường hơn 40km, với nhiều điểm mốc và tọa độ khó. Tuy nhiên, đa phần các phi công đều hoàn thành tốt bài thi của mình ngay trong lượt bay đầu tiên.
Các phi công vượt qua chặng đường dài, qua nhiều đỉnh núi, nhiều cánh rừng già trên dãy núi Putaleng.
 
Sau khi hoàn thành các điểm mốc, tọa độ trên không trung, các vận động viên hạ cánh xuống sân vận động thị trấn huyện Tam Đường an toàn.
Một phi công tiếp đất an toàn sau nhiều giờ bay trên không trung.
Sau khi hoàn thành bài thi và tiếp đất an toàn, vận động viên Pranawa đến từ Indonesia cho biết, đây là một điểm bay lý tưởng cho dù lượn và anh mong sẽ được trở lại trong một dịp gần nhất.
Đồng bào các dân tộc địa phương đều rất háo hức khi lần đầu tiên chứng kiến nhiều dù lượn trên bầu trời.
Thành công của giải đấu là cơ sở để chính quyền tỉnh Lai Châu đưa Giải thi đấu dù lượn vào danh mục giải đấu thường niên, giúp tạo điều kiện để địa phương khai thác thế mạnh phát triển du lịch.
Điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi khi đa phần thời gian trong những ngày thi có gió to và mây mù, nhưng các vận động viên đều hoàn thành tốt các phần thi của mình và để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương./.