Du lịch xanh trở thành tiêu chuẩn
Có thể coi Hội An là "thủ phủ" du lịch xanh ở Việt Nam. Không khó kể tên những mô hình tốt về du lịch xanh ở điểm đến này, từ homestay bình dân cho đến khu nghỉ cao cấp, hay các tour du lịch xanh, nhà hàng và điểm tham quan trải nghiệm xanh. Các vật dụng thân thiện như chai thủy tinh, ống hút kim loại hay cốc tre rất phổ biến tại các hàng quán ở phố cổ Hội An. Như lời dân du lịch thường nói, "chỉ ngủ 1 đêm ở Hội An là biết về du lịch xanh".
Ngược lại, những cơ sở dịch vụ du lịch không đi theo hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường rất dễ trở nên lạc lõng. Thật may là ở Hội An, việc khởi sự kinh doanh với du lịch xanh không quá khó; bởi Quảng Nam là địa phương hiếm hoi có hẳn một bộ tiêu chí về du lịch xanh nên các cơ sở, doanh nghiệp chỉ việc tuân theo một lộ trình đã vạch sẵn.
Hội An cũng có thuận lợi là hình ảnh điểm đến bền vững đã "ghim" vào tâm trí du khách, nhất là khách quốc tế. Vì vậy du khách đến Hội An đều mang theo tinh thần muốn đóng góp và cải thiện cho địa phương. Thống kê gần đây của trang đặt phòng Booking.com cho thấy Hội An đứng thứ 4 cả nước, sau TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng về số lượng cơ sở lưu trú nhận Huy hiệu Du lịch bền vững của nền tảng này, với gần 200 cơ sở.
Hội An cũng liên tục bổ sung hạ tầng hỗ trợ phân loại và xử lý rác thải. Tại đây có 6 trung tâm phục hồi tài nguyên, 54 "ngôi nhà xanh" giúp người dân và du khách dễ dàng phân loại rác trước khi được mang đi thu gom, tái chế. Hệ thống này đã giúp giảm trên 30% lượng rác phải đem đi chôn lấp tại Hội An.
Tuy nhiên, điều khiến Hội An thực sự khác biệt với những điểm du lịch khác tại Việt Nam là tinh thần bảo vệ môi trường, kỹ năng phân loại rác và phát triển du lịch xanh đã thấm đẫm trong cộng đồng. Với người Hội An, việc phân loại và đưa rác đến nơi tái chế đã trở thành niềm vui và thói quen thường ngày. Thống kê sơ bộ, năm 2021 mới có 50% gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn ở Hội An, thì nay con số đã tăng lên 90%.
Làng chài Tân Thành là một trong những điểm đến tiêu biểu về du lịch xanh ở Hội An, nơi đã có các khu phục hồi tài nguyên (thu gom, phân loại rác), khu trưng bày và bán các sản phẩm tái chế (refill station), mô hình rau hữu cơ sử dụng mùn sinh học từ rác thải… Cơ sở phục hồi tài nguyên là nơi tập trung và phân loại rác, để định kỳ một đơn vị đến chuyển rác và tái chế ra các sản phẩm quay lại phục vụ cuộc sống. Các cửa hàng thì bày bán những sản phẩm tái chế như xà phòng, nước rửa chén, nước lau sàn từ vỏ trái cây hay những loại chai lọ được trang trí đẹp mắt.
Ông Lê Quốc Việt - Phó Giám đốc HTX Du lịch Làng chài Tân Thành chia sẻ, việc phân loại rác thải đã trở thành thói quen của người dân và cộng đồng làm du lịch ở đây. Tháng 12 tới, Làng chài Tân Thành còn đưa Festival Nghệ thuật sắp đặt môi trường biển thành một sản phẩm đặc trưng, với những tác phẩm được xây dựng và sắp đặt từ các loại phế liệu nhằm thúc đẩy du lịch bền vững.
Tính cạnh tranh về du lịch xanh
Phát triển du lịch bền vững hay du lịch xanh đôi khi được coi là việc làm tốn kém. Những hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời, quản lý năng lượng thông minh hay hệ thống tuần hoàn nước đều đắt đỏ. Việc chuyển chai nhựa, vỏ ni lông, bàn chải nhựa… sang chai thủy tinh, vỏ giấy tái chế, bàn chải tre… sẽ gây áp lực lớn cho một khách sạn, khi chi phí cho những trang bị này tăng khoảng 1,5 – 1,7 lần. Vì vậy thường chỉ các cơ sở cao cấp như resort, khách sạn 4-5 sao mới có khả năng "gồng gánh" chi phí, đồng thời có tệp khách hàng chi trả và thực sự tận hưởng những giá trị bền vững tại đó.
Tuy nhiên ở Hội An, du lịch xanh lan tỏa rất rộng trong cộng đồng du lịch từ những cách làm đơn giản nhất, thậm chí các quán cà phê, nhà hàng hay homestay còn áp dụng các thực hành bền vững nhanh và nhiều hơn những khách sạn cao cấp. Điều này tạo ra một cuộc cạnh tranh thú vị, khiến hầu hết các cơ sở du lịch cố gắng phải áp dụng ít nhất một tiêu chí bền vững, nhất là ở phân khúc cao cấp.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết du lịch xanh ở Hội An không phải là những thứ xa xỉ khi hiểu theo các giá trị vật chất: "Các cơ sở lưu trú nhỏ như homestay, villa đi nhanh hơn, vì nếu ngay từ đầu chọn hướng đi phát triển bền vững, giảm phát thải thì mọi chuyện sau đó thuận lợi và nhẹ nhàng. Còn các khách sạn lớn thì chuyển đổi khó hơn. Các cơ sở nhỏ cũng dễ thu hút và kín chỗ bằng những vị khách sẵn sàng chi tiêu cho du lịch bền vững mà không chê giá đắt hay rẻ", ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, thay vì tính toán cho những hạng mục đắt tiền, đôi khi chỉ là tiết giảm trong tiêu dùng, sinh hoạt và hoạt động du lịch cũng đã là phát triển bền vững: "Nếu gom rác thì chỉ có thể đốt, vì vậy phải bắt đầu bằng phân loại để tìm cách tái chế, như tạo ra phân hữu cơ để bón cho cây. Các homestay, villa có thể dùng vòi giảm tiêu thụ nước và khuyến cáo khách tiết kiệm năng lượng, ứng xử xanh. Các nhà hàng ở Hội An cũng tìm hướng đi bền vững, thân thiện với môi trường".
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Phan Xuân Thanh tin rằng nương tựa vào các giá trị bền vững là cách tốt nhất để sản phẩm du lịch ở Hội An sống lâu hơn và hiệu quả kinh tế lớn hơn: "Trước đây du lịch là tiện ích, sang trọng, còn bây giờ du khách đề cao giá trị và trải nghiệm. Vì vậy nếu dựa vào các giá trị bền vững, tour đạp xe có thể sinh lời hơn tour dùng ô tô. Một bữa ăn, một tour du lịch mà du khách biết người dân được hưởng lợi, dù trả hàng nghìn USD thì khách vẫn không thấy đắt vì biết họ đã đóng góp cho địa phương. Thế giới và Việt Nam ngày càng coi trọng xu hướng sống xanh, vì vậy hãy cho khách thấy những sản phẩm xanh là họ sẽ đồng ý chi trả".
Thực tế là có những nhà hàng ở Hội An cung cấp bữa ăn trên cánh đồng với giá lên tới 1.000 USD/khách. Khi đó nhà hàng trở thành điểm đến, còn món ăn trở thành sản phẩm du lịch với câu chuyện về nguyên liệu và văn hóa bản địa. Du khách dùng bữa ngay trên đồng lúa, nơi những chú trâu vẫn nhởn nhơ gặm cỏ. "Bữa ăn giá 1.000 USD là vì du khách có trải nghiệm đặc biệt và duy nhất. Họ vui vì những câu chuyện và biết mình đã đóng góp cho ai, cả người nông dân và người cung cấp nguyên liệu cho nhà hàng" – ông Phan Xuân Thanh phân tích.
Bên cạnh các nhà hàng, khách sạn thì những tour du lịch xanh như tour vớt rác trên sông, tour trồng cây xanh, tour Cù Lao Chàm không có túi nilon… cũng giúp các công ty lữ hành thu hút khách. Ví dụ như tham gia tour du lịch xanh Hội An "Câu chuyện nông nghiệp hữu cơ và mô hình kinh tế tuần hoàn", du khách được tham quan mô hình tái chế rác hữu cơ, thăm cửa hàng Đong Đầy - mô hình tái sử dụng và mua sắm không bao bì nhựa, tham gia trải nghiệm hoạt động làm xà phòng từ dầu ăn thừa, trải nghiệm trồng rau cùng với nông dân…
"Vì sao khách phương Tây họ thích mấy cái tour xử lý rác hay ủ phân? Vì nhiều người cũng không biết cách phân loại rác hay ủ phân, ở nước họ có các dịch vụ công đã làm thay hết. Với họ đi nhặt rác hay ủ phân vừa là sự mới mẻ, vừa đóng góp cho cộng đồng. Vì thế rác cũng là sản phẩm du lịch, nếu chúng ta biết kể chuyện về vòng tuần hoàn, cách chúng ta xử lý rác và đưa sản phẩm tái chế trở lại phục vụ con người" – ông Phan Xuân Thanh chia sẻ./.