Các hoạt động do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức.
Diễn ra từ hôm nay đến ngày 26/11, với chủ đề: "Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa", đây là lần đầu tiên một Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghi có các phiên thảo luận chuyên đề về: Địa chất, Địa mạo, Quá trình hình thành núi lửa; Sử dụng hang động, Sinh học trong hang, Quản lý và bảo vệ hang động; Báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu …. Cùng với đó là Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (Việt Nam) và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc); hoạt động thám hiểm thực tế hệ thống hang động núi lửa trong Công viên điạ chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, cho biết, việc đăng cai tổ chức Hội nghị ISV20 là một sự kiện đối ngoại quan trọng, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất mang tầm quốc tế. Đồng thời, thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản địa chất của tỉnh Đắk Nông. “Chúng tôi cũng mong muốn được giới thiệu quảng bá hình ảnh Đắk Nông với những di sản độc đáo của tỉnh với hệ thống hang động núi lửa cũng như các di sản về văn hóa về du lịch. Sau câu chuyện giới thiệu ra bạn bè quốc tế thì cũng sẽ mong mỏi tìm được các nhà đầu tư, những người có đủ sự am hiểu đánh giá đúng bản chất giá trị của di sản này có thể quay lại đầu tư cho Đắk Nông để nâng tầm giá trị di sản vốn có và nó trở thành một sản phẩm để thu hút du lịch để tạo nên nguồn sống và giữ gìn được giá trị cho tỉnh", bà cho biết.
Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2020. Công viên có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 5 huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa. Công viên có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m... Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Văn, thành viên của Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO, để giữ vững danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu, tỉnh Đắk Nông cần chú trọng vào việc quản lý, xây dựng và phát triển một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO: “Trong thời gian tới việc đầu tiên cần phải làm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, thứ hai là khoanh vùng các giá trị di sản để biết rõ đâu là nơi bảo tồn và đâu là nơi được phép phát triển. Ngoài ra thì cũng cần phải có một kế hoạch quản lý, một quy hoạch lâu dài được thống nhất để có định hướng phát triển bền vững và dài hạn.
Cùng với Lễ khai mạc Hội nghị, các Hội thảo khoa học chuyên đề của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban hang động núi lửa, Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 còn diễn ra các hoạt động bên lề như Triển lãm ảnh “Kỳ quan núi lửa và hang động núi lửa; Tham quan một số điểm của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và khảo sát thực địa hệ thống hang động núi lửa Krông Nô./.