Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển du lịch của Việt Nam. Thế nhưng, sản phẩm du lịch còn thiếu tính đặc trưng văn hóa địa phương, nên khó giữ chân du khách ở lại dài ngày và có ý định quay trở lại.

vov__du_lich_da_nang_1_urgx.jpg
Du khách chủ yếu thích tới vui chơi, giải trí trên bãi biển Đà Nẵng.

Thời gian qua, lượng du khách trong nước và quốc tế tới tham quan du lịch tại thành phố Đà Nẵng ngày càng tăng, đặc biệt là các nhóm khách đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á. 

Tuy nhiên, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng đưa ra so sánh đáng suy ngẫm. Nếu so sánh với điểm đến như Bali của Indonesia thì nơi này có sức hút hơn Đà Nẵng bởi nét đặc sắc của văn hóa bản địa. Thông thường số ngày lưu trú của du khách tại Bali từ 1 tuần đến 1 tháng, trong khi lưu trú bình quân ở Đà Nẵng chỉ 3 đến 4 ngày.

Ông Dũng cho rằng, ở Bali, du khách có thể đăng ký tour dạo chơi dưới biển sâu, trượt thác, chèo thuyền, chạy bộ, leo núi hoặc đạp xe dạo qua các làng nghề thủ công truyền thống. Tại đây, du khách khó quên với các món ăn sử dụng hương liệu thảo mộc và gia vị địa phương.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần phải bổ sung các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có: "Chúng ta phải tạo được sản phẩm gắn với văn hóa địa phương. Đà Nẵng về điều này là yếu nhất. Chúng ta thua Hội An, thua Huế, là sản phẩm mang bản sắc văn hóa Đà Nẵng. Khách đến đây họ có thể đi xe đạp đến đâu và thăm cái gì? Họ lưu trú thế nào? Đi vào cộng đồng dân cư ra sao? Thì cái đó Đà Nẵng chúng ta đang yếu nhất."

Còn theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours), Đà Nẵng có nhiều lễ hội như: Lễ hội Cầu ngư, Quán Thế Âm và đặc biệt là lễ hội pháo hoa quốc tế, nhưng mới dừng lại là sự kiện mỗi năm, chưa tạo được sức hút mới, lạ với du khách. Gần đây nhất là “cơn sốt Cầu vàng” tại khu du lịch Bà Nà Hills, tạo sức hút lớn cho Đà Nẵng. Nhưng theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, sản phẩm này cũng mới dừng lại ở mức độ quảng bá điểm đến. 

Ông Lê Tấn Thanh Tùng cho rằng, Đà Nẵng hiện đang thiếu các khu giải trí về đêm, khu mua sắm, ẩm thực cũng như các show diễn nghệ thuật có quy mô lớn, đặc sắc nhằm thu hút và giữ chân du khách.

Ông Tùng cho rằng, điều này không khó khi Đà Nẵng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn: "Đà Nẵng cần phải phát triển du lịch thế mạnh. Phải gấp rút cho ra đời một phố đi bộ lớn, đó là tuyến đường từ cầu Rồng dọc xuống cầu Nguyễn Văn Trỗi và trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, điểm này trở thành một phố đi bộ vô cùng thuận lợi. Một bên là sông, trên bến dưới thuyền rất đẹp."

Năm ngoái, Đà Nẵng đón 7,6 triệu lượt khách tới thăm quan, du lịch tăng gần 16% so với năm 2017. Lượng du khách đến mỗi năm tăng cao nhưng để khách lưu trú dài ngày và buộc phải “rút hầu bao” chi trả dịch vụ vẫn còn thấp.

Đà Nẵng có nhiều làng nghề truyền thống nhưng chưa khai thác phát triển du lịch hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đang tìm các sản phẩm gắn với văn hóa bản địa, các chương trình biểu diễn qui mô lớn, các điểm mua sắm tập trung cho khách du lịch. Mục tiêu là tạo một sức hút riêng biệt đối với khách du lịch, khiến họ nhớ và quay trở và sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm riêng có tại thành phố Đà Nẵng.

"Thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp cùng với Khoa lịch sử của Đại học Sư Phạm cũng như trực tiếp đi khảo sát các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Chúng tôi cũng đã thống kê được số lượng danh mục các tài nguyên du lịch và phân ra các cấp độ, tính sẵn sàng ứng dụng có thể đưa vào đầu tư, triển khai phục vụ khách du lịch", ông Bình nói./.