Ngày 12/4, tại kỳ họp thứ 204 Hội đồng chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 04 – 17/4, công viên địa chất Non nước Cao Bằng của Việt Nam đã chính thức được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, Trần Thị Hoàng Mai, cho biết: “Theo các chuyên gia, ở đây quy tụ đầy đủ các tiêu chí để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trước hết, công viên địa chất ở Cao Bằng đáp ứng tiêu chí đủ rộng, sau này sẽ tác động về kinh tế, xã hội đến cả vùng. Thứ hai là đạt được các giá trị địa chất: ở công viên Non nước Cao Bằng có hơn 130 điểm di sản địa chất, trong đó có nhiều điểm di sản vô cùng quý. Ngoài ra, nơi đây còn có các giá trị khác nữa như cảnh quan, đa dạng sinh học, các giá trị bản sắc văn hóa, bề dày lịch sử…”.
Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai cũng nhấn mạnh, tất cả những điều này làm nên giá trị rất rõ rệt của công viên Non nước Cao Bằng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ khoa học, đội ngũ quản lý mà các chuyên gia thế giới đánh giá có thể đảm bảo đưa công viên Non nước Cao Bằng đi đúng hướng của một công viên địa chất toàn cầu. Ngoài ra, sự ủng hộ, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của người dân địa phương cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trong việc kết nối công viên Non nước Cao Bằng với mạng lưới công viên địa chất toàn cầu được các chuyên gia thế giới đánh giá rất cao.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng |
Có mặt tại sự kiện đặc biệt này, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng bày tỏ quyết tâm của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của công viên địa chất toàn cầu này.
“Chúng tôi rất coi trọng việc xây dựng và phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với việc phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương. Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các tiêu chí của UNESCO đối với công viên địa chất toàn cầu. Chúng tôi sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý công viên đúng yêu cầu của UNESCO và Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
Đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao chất lượng hệ thống đối tác để khai thác có hiệu quả các di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học trong công viên địa chất toàn cầu; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản; tổ chức các hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm để phát huy giá trị của công viên này trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu cũng như tăng cường quảng bá cho du lịch của tỉnh Cao Bằng”, ông Hoàng Xuân Ánh nói.
Trước đó, tháng 9/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới công viên địa chất châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Quý Châu (Trung Quốc), Hội đồng chuyên gia của UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Ngày 11/4, tỉnh Cao Bằng chính thức đệ trình hồ sơ này lên UNESCO tại kỳ họp lần thứ 204 của Hội đồng Chấp hành của UNESCO.
Như vậy, Việt Nam đã có công viên địa chất thứ hai gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, trước Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã được công nhận vào tháng 10 năm 2010. Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều khu vực khác được đề cử như Núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Yên, Gia Lai hay Ba Bể (Bắc Kạn)./.
UNESCO công nhận Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu
Thăm “làng đá” Khuổi Ky bình yên nơi biên cương Cao Bằng
Cảnh sắc hùng vĩ mà nên thơ của miền biên giới Cao Bằng