Thành phố Cần Thơ hiện có 3 cụm du lịch cộng đồng nổi bật, đó là du lịch cộng đồng Cồn Sơn (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), cộng đồng nhà vườn (thuộc huyện Phong Điền), cù lao Tân Lộc (thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt).
Những năm trước, các cụm du lịch gặp phải vấn đề “nhiều điểm đến, một sản phẩm du lịch”, khiến du khách mau chán, chỉ đến một điểm mà không cần khám phá những điểm còn lại. Hiểu được hạn chế đó, trong gần một năm qua, các điểm du lịch cộng đồng đã dần thay đổi hình dạng “một màu” sang “đa sắc”.
Điển hình như tại cù lao Tân Lộc, các hộ dân đã nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm đặc thù, riêng có; các đặc sản được chế biến từ nông sản như "rượu mận Sáu Tia" (tại vườn du lịch Sơn Ca), các sản phẩm từ ổi như rượu ổi, ổi chiên giòn, gỏi ổi trộn khô mực (vườn ổi Cô Điệp)... Hay tại Cồn Sơn, các sản phẩm du lịch đặc thù về ẩm thực được phát triển như bánh tét hồng đẳng sâm, lẩu nhiệt đới cung đình thực dưỡng… kết hợp các mô hình tham quan "độc quyền" như cá lóc bay, massage cá có màu, cá chảnh ăn chay, cá phun nước săn mồi…
Theo ông Huỳnh Công Thống - chủ vườn nho thân gỗ tại cù lao Tân Lộc, các hộ dân tại đây đã gạt bỏ kiểu kinh doanh “mạnh ai nấy làm” để liên kết tạo thành vòng du lịch khép kín. Không những thế, các hộ dân còn học hỏi kinh nghiệm từ điểm du lịch cộng đồng khác trên địa bàn, áp dụng vào thực tiễn là phát huy loại cây trái đặc trưng, cho ra những sản phẩm đặc biệt để tạo điểm nhấn và chỗ đứng trong du lịch cộng đồng.
Với hơn 6.000 ha cây ăn trái, 63 điểm hoạt động du lịch sinh thái, những năm gần đây, huyện Phong Điền đang được đầu tư phát triển loại hình du lịch miệt vườn, du lịch cộng đồng với nhiều nhà vườn, hộ gia đình tham gia làm du lịch. Nhiều điểm đến thu hút đông đảo khách đến tham quan, thưởng thức như vườn du lịch Giáo Dương (xã Nhơn Ái), vườn du lịch Vũ Bình (xã Nhơn Nghĩa), vườn du lịch Út Trung (phường Hưng Thạnh), vườn dâu Hạ Châu (xã Nhơn Ái), vườn du lịch 9 Hồng, vườn ca cao Mười Cương…
Theo Thạc sĩ Đinh Hiếu Nghĩa (Trường Cao đẳng du lịch Cần Thơ), mô hình du lịch cộng đồng là mô hình cần có sự kết nối của nhiều thành tố, trong đó cần chú ý đến sự phối hợp hiệu quả và bền vững. Các điểm du lịch tại huyện Phong Điền đã có sự kết nối, chọn lọc sản phẩm đặc trưng riêng, tránh sự “trùng lặp” với nơi khác để cùng nhau phát triển, giữ chân du khách khi đến Cần Thơ
"Nếu tạo được sức hút bền vững cho các khu du lịch sinh thái miệt vườn thì văn hóa bản địa sẽ là nền tảng rất quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng cần được gắn kết với làng nghề, với đời sống mưu sinh và hình thành nên câu chuyện nông nghiệp; từ đó, văn hóa bản địa sẽ được phát huy và cộng đồng cùng làm du lịch thì thúc đẩy du lịch bền vững trong tương lai" - ông Đinh Hiếu Nghĩa cho biết.
Đoàn kết, phối hợp tạo nên sức mạnh, tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế, du lịch cộng đồng dựa trên nguyên tắc tự nguyện giữa các hộ, nên việc phân chia trách nhiệm, loại hình sản phẩm cũng như phối hợp để tạo thành chuỗi các sản phẩm du lịch khép kín hiện vẫn còn khá lỏng lẻo. Nhiều hộ không tuân thủ nguyên tắc mỗi hộ 1 sản phẩm, tự ý chồng chéo sản phẩm, nâng giá, tách khỏi chuỗi điểm đến… khiến du khách không hài lòng, ảnh hưởng đến uy tín của cả cộng đồng.
Về vấn đề này, PGS. TS Đào Ngọc Cảnh (Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ) đề xuất, cần xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp giữa các bên tham gia trong du lịch cộng đồng như các hộ dân, công ty du lịch, chính quyền, đoàn thể…; thúc đẩy kết nối giữa du lịch cộng đồng với doanh nghiệp lữ hành và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ du lịch cộng đồng.
"Du lịch cộng đồng còn đang rất mới, do đó rất cần các chính sách hỗ trợ. Nếu để cho dân tự làm thì cứ mãi tự phát, nhỏ lẻ. Hiện nay, ngay cù lao Tân Lộc, tôi thấy rất có tiềm năng về làm homestay, nhưng mà không ai dám làm vì chưa biết triển vọng đến đâu. Chưa khai thác được tiềm năng, người dân chưa mạnh dạn thì cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ mới có thể làm được" - PGS. TS Đào Ngọc Cảnh cho biết.
Người dân trong các cụm du lịch cộng đồng tại Cần Thơ đã chủ động cùng nhau phối hợp, tìm ra điểm chung và riêng, để xây dựng “hình tượng mới”. Thành phố cũng có những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách ưu đãi thuế, cũng như những hướng dẫn cụ thể “cầm tay chỉ việc” để các hộ làm du lịch có thể triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả.
Từ người dân làm du lịch cộng đồng đến chính quyền thành phố Cần Thơ đều nỗ lực “phối hợp” đưa loại hình du lịch này phát triển bền vững. Trong đó, chính quyền đóng vai trò "nhạc trưởng", điều phối và tạo môi trường thuận lợi thông qua các chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế, mở rộng các kênh quảng bá… để các chủ thể trong chuỗi du lịch có cơ hội phát triển tốt nhất.
Các hộ làm nông nghiệp chủ động, sáng tạo trong các hoạt động của mình, trên tinh thần ứng dụng khoa học công nghệ vào dịch vụ, đẩy mạnh kỹ thuật số để phục vụ tối đa lượng du khách với chất lượng hoàn hảo. Sự vào cuộc tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích đưa "ngành công nghiệp không khói" tại Cần Thơ sớm ổn định và phát triển trong giai đoạn “bình thường mới” sau dịch Covid-19./.