Câu chuyện phát triển du lịch trong các khu bảo tồn gây ra những lo lắng, băn khoăn về tính bền vững của tài nguyên quốc gia, của đa dạng sinh học, việc lạm quyền trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như lợi ích mang lại cho xã hội là những nội dung được bàn thảo tại cuộc tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam”.

100_uloo.jpg
Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà hiện có loài voọc chà vá - một trong những loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn
.

Theo TS Phạm Hồng Long – ĐHKHXH&NV Hà Nội, việc phát triển du lịch sinh thái trong một số khu bảo tồn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn chưa tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái. Một số nơi, du lịch sinh thái còn phát triển nóng, gây ra những tác động tiêu cực.

"Một trong các nguyên nhân của những tồn tại trên là công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các thành phần kinh tế trong việc hoạch định, xây dựng chính sách phát triển, quản lý du lịch sinh thái còn hạn chế", TS Phạm Hồng Long nói.

TS Phạm Hồng Long cũng đề xuất cần có một chiến lược quốc gia về phát triển du lịch sinh thái bền vững ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn.

Tác động của phát triển du lịch đối với các khu bảo tồn

Việc phát triển bất cứ hoạt động nào của con người cũng đều có tác động đến môi trường. Dự án phát triển du lịch trong khu bảo tồn có tác động không chỉ đối với môi trường tự nhiên mà quan trọng hơn là tác động đến hệ sinh thái, đến đa dạng sinh học.

TS Lê Hoàng Lan – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, việc phát triển du lịch trong các khu bảo tồn có kiểm soát là tất yếu vì nó đem lại nguồn lợi để phát triển. Vấn đề đặt ra là cơ chế nào để phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được và cơ chế nào để giám sát việc tuân thủ của những đơn vị thực hiện dự án.

"Theo Luật đa dạng sinh học, nếu xây dựng dự án trong khu bảo tồn nghiêm ngặt thì phải cấm tuyệt đối. Theo luật bảo vệ môi trường năm 2014, nếu không phải phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thì vẫn có thể triển khai các dự án với điều kiện phải đánh giá tác động bảo vệ môi trường", TS Lê Hoàng Lan nói.

Cơ sở pháp lý còn chưa rõ ràng

Tại cuộc tọa đàm, chuyên gia cũng cho biết, luật pháp chỉ ra rằng phải giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học còn nếu trong trường hợp có tác động thì phải bồi thường tuy nhiên bồi thường thế nào, giảm thiểu thế nào thì không rõ, đặc biệt là bồi thường. Ví dụ, chúng ta cho phép trồng rừng thay thế nhưng đây không phải là biện pháp tuyệt đối vì trồng rừng thay thế không giữ được đa dạng sinh học đã mất, chưa kể quỹ đất hiện không còn.

Để hài hòa giữa phát triển du lịch trong các khu bảo tồn, theo TS Lê Hoàng Lan, phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những khu bảo tồn nghiêm ngặt thì không thể phát triển du lịch, còn những khu có thể phát triển du lịch được thì cần nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, của chủ đầu tư, của người dân để những khu bảo tồn ấy được phát triển bền vững.

Về chế tài xử phạt với các đơn vị làm sai, TS Lê Hoàng Lan cho rằng không chỉ áp dụng đối với chủ đầu tư mà hội đồng thẩm định và cơ quan quản lý cũng phải liên đới trách nhiệm. Việc bồi thường thiệt hại khi mọi chuyện đã xảy ra, khi đa dạng sinh học đã mất thì không thể khôi phục được, quan trọng là phải thực hiện nghiêm túc từ đầu. Hiện nay có rất nhiều quy đinh nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để các khu bảo tồn được phát triển bền vững./.