Là một địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với gần 40 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và một số di sản đại diện nhân loại. Đây chính là nền tảng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch công đồng, trải nghiệm, khám phá.
Không rõ từ bao giờ, người La Chí ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà đã di cư từ Hà Giang sang Lào Cai. Với lối sống khá khép kín, ít chịu ảnh hưởng giao thoa, nên nhiều nét văn hóa vẫn giữ được nguyên vẹn như nghề trồng bông dệt vải là một minh chứng cho giá trị văn hóa tộc người La Chí. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, ngành Văn hóa, Thể thao tỉnh Lào Cai đã tiến hành khảo sát, phục dựng nghề truyền thống của đồng bào người La Chí xây dựng thành sản phẩm du lịch. Là một trong số ít người còn nắm bắt được nghề truyền thống trồng bông dệt vải của đồng bào dân tộc La Chí, bà Lý Thị Nề ở thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà được coi là người có nhiều kinh nghiệm nhất. Tuổi cao nhưng bà vẫn rất tinh nhanh tỉ mỉ, khéo léo trong từng họa tiết, hoa văn trên từng tấm vải. Mong muốn của bà là truyền lửa đam mê cho các thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc dân tộc của nười La Chí.
Bà Lý Thị Nề, cho biết: "Ông bà truyền lại cho mình rồi thì bây giời mình cũng phải truyền lại cho con cái để đời này nối tiếp đời sau để lưu giữ được bản sắc dân tộc của dân tộc mình."
Chị Lý Thị Hương người dân tộc La Chí, những khi rảnh rỗi thường cùng các bà, các chị trong thôn Mà Phố say xưa tìm học nghề dệt vải truyền thống. Tuy chưa biết nhiều về nghề, nhưng chị luôn học hỏi để có thể nắm được những bí quyết chia sẻ cho mọi người xung quanh. "Để mà giữ được cái nghề dệ vải thì em nghĩ là cần một cái tư liệu nào đấy để ghi chép lại. Nếu mà có thể thì quay là các hình ảnh để cho giới trẻ sau này người có thể học hỏi.", chị Hương nói.
Năm 2021, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh ở Lào Cai. Tại đây chủ yếu là đồng bào Tày sinh sống với bản sắc văn hóa đặc trưng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dựa vào lợi thế đó, đồng bào Tày ở xã Nghĩ Đô đã có cách làm du lịch riêng, tạo được sự thân thiện, mỗi khi du khách tìm đến vùng đất này.
Chị Kim Thị Mai ở bản Nà Luông là người say mê với làn điệu Then truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Để giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình, chị đã thành lập đội văn nghệ phục vụ khách du lịch khi đến với Nghĩa Đô. Chị Mai chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng việc mình gìn giữ và phát triển hát Then này cũng một phần nào đấy góp phần cho du lịch được phát triển, giúp cho khách đến Nghĩa Đô cũng sẽ được trải nghiệm những điệu hát Then của người dân Nghĩa Đô."
Đến nay, 13 thôn bản ở xã Nghĩa Đô đều có đội văn nghệ hát Then nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách và các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Hầu hết các thành viên đội văn nghệ là những người còn trẻ, nhưng luôn tìm hiểu, học hỏi các thế hệ đi trước về các làn điệu Then.
Chị Lương Thị Kiệm, ở bản Nà Luông, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, cho biết: "Được các mẹ, các bác truyền lại những nét văn hóa mà tôi cảm thấy rất là đặc sắc. Qua đây thì tôi cũng mong muốn rằng chúng tôi sẽ lưu giữ và phát huy được bản sắc đó."
Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lí Di sản, Sở Văn Hóa – Thể thao tỉnh Lào Cai, nêu rõ: Giải pháp cốt lõi thúc đẩy du lịch Lào Cai là bảo tồn bản sắc văn hóa. "Định hướng phát triển kinh tế của Lào Cai cũng đang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của tỉnh, chính vì thế cho nên là bảo tồn văn hóa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm độc đáo, đặc sắc để nhằm thu hút khách du lịch đến với Lào Cai.", ông Nghĩa chia sẻ.
Giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa, các nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lào Cai đã góp phần biến di sản thành tài sản, hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, đem đến những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách thập phương mỗi khi đến với Lào Cai./.