Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết những năm qua, du lịch tỉnh Bạc Liêu có bước phát triển khá, hàng năm lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Xét về quy mô, số lượng khách hàng năm và tổng thu từ du lịch, Bạc Liêu hiện đang đứng thứ 5 so với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.

Đối với khu vực vườn nhãn, chùa Xiêm Cán và vùng phụ cận ven biển thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, xã Hiệp Thành và phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) là khu vực cảnh quan thiên nhiên đồng quê đặc trưng với nghề trồng nhãn lâu đời, các công trình văn hóa tâm linh, các dự án du lịch nổi tiếng như: khu Quán âm Phật đài, Thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu, khu điện gió Bạc Liêu, khu du lịch Nhà Mát…cùng các phong tục tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biển, đặc biệt là các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực….

Ông Phan Thanh Duy cho rằng việc tổ chức hội thảo này là cơ hội để du lịch Bạc Liêu tiếp thu nhiều ý kiến quan trọng của các chuyên gia tư vấn du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các sở ngành địa phương trong quản lý, kinh doanh du lịch trong xây dựng và định hướng phát triển du lịch cộng đồng để có cách làm phù hợp, đổi mới phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế khu vực vườn nhãn và vùng phụ cận ven biển.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán của Bạc Liêu giàu tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, tỉnh cần triển khai các giải pháp mới mang tính đột phá để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế quan trọng này. Cụ thể là các giải pháp về khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động đầu tư cho du lịch; tổ chức các lớp dạy nghề, hướng nghiệp và tuyển dụng người dân địa phương vào làm du lịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tỉnh cần lập dự án đánh giá một cách chi tiết về tiềm năng, đồng thời tập trung nguồn lực khai thác sản phẩm du lịch; tổ chức liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để khai thác đối đa tiềm năng du lịch của địa phương; cần phát huy yếu tố môi trường xây dựng nền du lịch xanh, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan…

Dịp này, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trao Quyết định công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. Như vậy hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 10 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận, nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.