Ngày hội được tổ chức từ ngày 27-29/11, với chủ đề “Bạc Liêu kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển” bao gồm 14 hoạt động, có sự tham gia góp sức của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Điểm nổi bật của Ngày hội lần này là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch, vừa tôn vinh giá trị bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây hơn 100 năm, vừa bảo tồn và lan tỏa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày Hội còn có sự góp mặt của nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây tròn 1 năm, hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị các di sản văn hoá, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo thêm cơ sở và động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bạc Liêu cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; tập trung 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã xác định, trong đó, phát triển mạnh công nghiệp năng lượng sạch, nông nghiệp, đặc biệt là tôm công nghệ  cao, phát triển du lịch để tạo động lực tăng trưởng mới và tin tưởng với truyền thống cách mạng cùng những nền tảng đã tạo dựng, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhất định sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sớm trở thành vùng đất thực sự giàu đẹp, hạnh phúc, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc hơn văn hóa là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc tạo động lực cho phát triển bền vững, là thể hiện chữ hiếu của chúng ta với Tổ tiên và cũng là trách nhiệm của chúng ta với thế hệ mai sau và với cả nền văn minh thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.