Mang trong mình nhiều bệnh tật, nhưng bà Hứa Thị Thanh (sinh năm 1950, ở xóm 11 xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa) đang phải một mình nuôi người mẹ chồng 90 tuổi bị mù lòa, cùng với người chồng và hai người con gái bị tâm thần. Bà bảo, nhiều lúc bà muốn chết đi, nhưng nhìn cảnh chồng con, mẹ già và cháu gái tội nghiệp lại không đành, và cũng không cho phép bà chối bỏ trách nhiệm với gia đình. Ngày trước, sống trong cảnh bom rơi đạn nổ bà không sợ, vẫn tươi cười nghĩ đến tương lai. Còn bây giờ trước mắt bà, cuộc sống thật tăm tối…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bà nội bà Hứa Thị Thanh được công nhân là người có công với cách mạng khi nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến. Bố đẻ bà là thương binh chống Pháp đã mất, anh trai là liệt sỹ Hứa Tuấn Ninh, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và hiện bà là người thờ cúng liệt sỹ Mậu.
Năm 1971, người con gái tuổi 20 Hứa Thị Thanh thanh niên xung phong, tham gia mở đường ở mặt trận mở đường ở Hà Tĩnh, Quảng Trị. Cuối năm 1974, bà trở về địa phương, rồi làm nhân viên cửa hàng mua bán HTX Tân Ninh. Tháng 10/1976, bà xây dựng gia đình với ông Lê Minh Thoại người cùng quê, cũng là thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước trở về. Ông Thoại sau đó được cử đi học Trung cấp Hàng hải ở Hải Dương, rồi về Thanh Hóa công tác, đến năm 1990 về chế độ “một cục”. Năm 1991, cửa hàng mua bán HTX giải thể, nên vợ chồng bà xoay sở đủ nghề để kiếm sống nhưng vẫn chẳng đủ ăn.
Đến năm 1993, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, gia đình bà Thanh xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, phủ xanh đất trống đồi trọc ở phía Tây Nam huyện Triệu Sơn (thuộc dự án 327 của Thanh Hóa). Lên vùng “khỉ ho cò gáy”, với ý chí của người thanh niên xung phong, vợ chồng bà tích cực xây dựng kinh tế, được công nhân là gia đình làm kinh tế giỏi. 4 đứa con gái xinh đẹp, chăm ngoan, học giỏi. Người con gái thứ 4 là Lê Thị Hòa nhiều năm liền đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tặng quà. Gia đình bà lúc đó được huyện, tỉnh nhiều lần nêu gương là gia đình làm kinh tế giỏi. Bà Thanh vẫn còn lưu giữ tờ báo Thanh Hóa số ra ngày 22/5/1998, đưa bản tin gia đình bà được Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Tu đến thăm vườn rừng và động viên.
Nhớ lại những ngày đó, bà Thanh bảo đó là niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc lớn lao tột độ của ông bà, là động lực giúp ông bà tích cực lao động sản xuất, vươn lên làm kinh tế và nuôi con không lớn. Thế nhưng, tai họa bắt đầu giáng xuống gia đình vợ chồng cựu thanh niên xung phong này, khiến bà trở nên điêu đứng. Năm 2001, cô con gái út Lê Thị Hòa tự dưng bị phát chứng đau đầu. Vợ chồng bà Thanh đưa con đi khám chữa từ Thanh Hóa đến Hà Nội, thuốc thang trăm bề nhưng bệnh của con vẫn không khỏi, khiến ông bà lo lắng tột độ.
Khi cô út chưa dứt bệnh, đến năm 2003, người con gái thứ 3 là Lê Thị Hiếu cũng phát bệnh và được bác sỹ chẩn đoán bị chứng tâm thần như người em gái. Thế là mọi công việc gia đình bị đảo lộn. Vợ chông bà bán hết gia sản, chạy vạy chữa trị cho con, không còn thời gian và sức lực để lao động sản xuất. Thế nhưng, cuộc đời bà thật trớ trêu và nghiệt ngã khi người chồng cũng phát bệnh như hai cô con gái sau thời gian lo âu, suy sụp vì bệnh tình của con.
Thế là của nả trong nhà bà Thanh lần lượt “đội nón ra đi” khiến gia đình bà lâm vào cảnh khánh kiệt. Không thể trụ lại ở vùng kinh tế mới, năm 2003, bà dắt díu gia đình trở về quê cũ với hy vọng nhận được sự trợ giúp của anh em họ hàng. Một mình bà chăm sóc ba người điên. Lúc ở nhà, khi ở viện. Nhiều lần cả ba bố con đều nhập viện, bố thì ở khu vực bệnh nhân nam, hai con ở khu dành cho nữ. Bà cứ thế chạy như con thoi, chăm chồng con. Nhiều người cám cảnh cho thân phận của bà, nên lúc biếu bà tấm bánh bì, khi vài chục nghìn để bà mua cháo cho chồng con. Cứ thế, bốn người đi viện rồi về nhà như “đi chợ”, nhưng bệnh tình chồng con vẫn không thuyên giảm.
Chồng bà càng phát bệnh nặng hơn. Bà Thanh gạt nước mắt đưa chồng ra Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (ở Thường Tín) điều trị. Cũng lúc đó, điều kinh hoàng, u ám nhất lại giáng xuống đầu người nữ thanh niên xung phong này. Trong lúc ở nhà, đứa con gái thứ ba Lê Thị Hiếu khi phát bệnh, đi lang thang và đã bị kẻ xấu hãm hại đã dẫn đến có thai và sau đó sinh ra một cháu gái yếu ớt. Đứa con gái tâm thần sinh con ra không có sữa, lại không biết nuôi con, nên gánh nặng gia đình lại chất lên đôi vai bà.
Từ đó, người cựu thanh niên xuong phong sống trong cảnh cùng cực. Khịu không nổi, bà bị chứng rối loạn tiền đình, suy nhược tuần hoàn não và bệnh đau tim, tiểu đường... Những cơn đau liên tiếp khiến bà tưởng không thể nào qua khỏi. Niềm tin, hy vọng vào một gia đình trọn vẹn với bà đã tan vỡ theo tiếng khóc con trẻ, tiếng cười vu vơ của hai đứa con gái và người chồng gầy như xơ mướp.
Hiện người chồng 64 tuổi vẫn lơ ngơ nhưng dù sao còn tự chủ được sinh hoạt cá nhân, còn hai đứa con gái thì vẫn phải phục vụ toàn phần, nhiều lúc phát bệnh lại phá phách khiến bà phải gọi anh em làng xóm đến giúp đỡ. Thêm vào đó, năm 2013, người mẹ chồng 90 tuổi của bà bị đục thủy tinh thể dẫn đến mù lòa cả hai mắt. Hồi trung tuần tháng 7, bà Thanh không may bị ngã gãy chân, phải đi bệnh viện bó bột và việc đi lại vẫn hết sức khó khăn.
“Hai đứa con gái lớn lấy chồng xa hơn 100 cây số. Cháu Hiếu đã 33 tuổi, con gái 4 tuổi. Cháu Hòa 27 tuổi với 13 năm chống chọi với bệnh tật, tất cả đều lơ ngơ như đứa trẻ. Tôi bệnh tật không thể lao động, gia đình chỉ trông vào số tiền phụ cấp ít ỏi hàng tháng. Nhìn cảnh gia đình mà tâm trí tôi rối bời, không hiểu trên đời này có ai khổ cực hơn tôi không. Giờ tôi thật sự cùng cực” – bà Thanh nói trong nước mắt.
Ông Lê Đình Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh thừa nhận, điều kiện hoàn cảnh gia đình bà Thanh thuộc diện đặc biệt khó khăn. Địa phương đã có sự hỗ trợ nhưng không thấm vào đâu và rất mong nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, để chia sẻ gánh nặng với người cựu thanh niên xung phong này.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Hứa Thị Thanh, ở xóm 11 xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Điện thoại: 0944847481./.