Khó khăn vì thiếu… lũ

Cùng với các tỉnh khác ở ĐBSCL, Long An đang chuẩn bị vụ Đông Xuân 2010-2011. Thế nhưng, đến thời điểm này, nước lũ vẫn chưa đổ về như hàng năm, đỉnh lũ cũng được dự đoán ở mức thấp, khiến cả ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh lo lắng trước một vụ lúa khó khăn.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân này, tỉnh Long An sẽ sản xuất 248.000 ha lúa, trong đó có đến gần 180.000 ha nằm ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, nơi được coi là rốn lũ và cũng là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh.

Hàng năm, vào thời điểm này, nước lũ đã tràn về nổi trắng các cánh đồng ở Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng… trong vùng Đồng Tháp Mười. Nước lũ ngâm đất, tiêu diệt phần lớn cỏ dại, mầm bệnh, chuột và phủ lên đồng ruộng một lớp phù sa màu mỡ. Nhưng hiện tại chưa một cánh đồng nào ở Long An tràn nước.

dongthapmuoi.jpg

Thiếu nước, đồng lúa bị đe doạ bởi cỏ dại, chuột và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (Ảnh minh hoạ: kinhtenongthon)

Trung tâm Khí tượng thủy văn Long An dự báo, đỉnh lũ ở đầu nguồn vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh sẽ đến vào khoảng giữa tháng 10 và chỉ ở mức 2,3 -2,5m2, thấp hơn hẳn nửa mét so với năm ngoái và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này đồng nghĩa với việc, lúa Đông Xuân có thể xuống giống sớm nhưng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước, nhiều cỏ dại, chuột và có thể xảy ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Trước thực trạng này, Long An đã chỉ đạo nạo vét kênh tạo nguồn, tăng kinh phí cho các trạm bơm, mua thêm hóa chất diệt chuột…. Ngành nông nghiệp Long An xác định, biện pháp quan trọng phải làm ngay là vận động nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ. Đó là, cả tỉnh sẽ đồng loạt xuống giống vụ Đông Xuân thành 3 đợt, kéo dài từ ngày 12/10- 18/12.

Việc xuống giống đồng loạt, đúng lịch sẽ tránh được rầy nâu, phòng được bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá, kiểm soát và chống chọi tốt hơn khi có sâu bệnh trên đồng ruộng.

Chi phí sẽ tăng

Một cái khó khắc là hiện nay giá lúa đang ở mức cao, người dân rất nôn nóng xuống giống để có thể thu hoạch trước Tết, hy vọng bán lúa được giá hơn. Nhưng mực nước còn thấp, nếu vội vàng sẽ dẫn đến thất thu.

Ông Nguyễn Văn Đát, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, huyện có gần 35.000 ha lúa trong vụ này, cho biết: Hiện nay tâm lý nông dân rất nôn nóng gieo sạ sớm. Vụ lúa vừa thu họach bán 5.300/kg tại ruộng nên người dân nao nức làm đất vì nếu sạ sớm sẽ thu hoạch được trước Tết.

Theo ông Đát, hộ nào vi phạm việc xuống giống đúng lịch thì sẽ lập biên bản, nếu sau này lúa có bị bệnh thì không được hỗ trợ.

Bên cạnh lịch thời vụ, nông dân Đồng Tháp Mười đang cố gắng diệt chuột bằng các phương pháp thủ công để bảo vệ môi trường. Nhưng ở những vùng tập trung nhiều chuột như vùng gần rừng tràm, vùng giáp biên giới Campuchia…vẫn phải dùng thuốc.

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Hưng cho biết, ngoài việc chuột đang phát sinh thì thời điểm gieo sạ vào trung tuần tháng 11, 12 là lúc lúa ở Campuchia vừa thu hoạch xong, chuột sẽ tràn sang phía Việt Nam tìm nguồn thức ăn, nguồn nước, cho nên vụ Đông Xuân sẽ khó khăn vì hai đợt chuột này.

Nông dân Long An đều cho rằng, chi phí đầu vào cho hạt lúa năm nay sẽ rất cao, từ tiền bơm nước, cày ải đến tiền mua thuốc diệt cỏ, diệt chuột đều nhiều hơn.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã thống kê trong vụ Đông Xuân trước, chi phí bỏ ra cho mỗi kg lúa là 2.500 đồng thì vụ này phải lên đến hơn 3.000 đồng. Gia đình ông Trần Thanh Sang ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng vụ này làm 5 ha lúa. Ông Sang dự kiến chi phí cho mỗi ha lên đến hơn 15 triệu đồng, cao hơn nhiều với Đông Xuân trước.

Ngoài sự nỗ lực của địa phương, Long An đang đang rất cần được Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí cho thủy lợi tạo nguồn, đảm bảo đủ nước để tiêu độc xả phèn cho đồng ruộng, nước tưới cho lúa đầu vụ và ngăn mặn vào cuối vụ.

Năm 2011, Long An phấn đấu giữ vững sản lượng 2,2 triệu tấn lúa như năm 2010, trong đó Đông xuân là vụ có tính chất quyết định./.