Sau khi đăng bài viết về lời kêu cứu của người mẹ khuyết tật mất con, VOV online liên tục nhận được thông tin phản hồi của bạn đọc yêu cầu làm rõ thêm thông tin của sự việc. Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV đã tiếp tục tìm đến các cơ quan chức năng liên quan.

Theo “Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi” mà Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội) gửi Sở Tư pháp Hà Nội ngày 21/6/2012 cho biết, vào hồi 12h7’ ngày 7/11/2009, ông Phùng Đoài Lương – Nhân viên bảo vệ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội trong khi làm nhiệm vụ tuần tra an toàn đơn vị đã phát hiện một cháu bé để sát ở cổng chính của trung tâm.

anh-con-sim.jpg
Bé Nguyễn Thu Hà (Uyển Nhi) trước khi đưa lên trung tâm

Về nhận dạng của cháu Nguyễn Thu Hà (Uyển Nhi) vào thời điểm đó là: Cháu bé mang giới tính nữ, khoảng 4 tháng tuổi. Cháu bị đa dị tật bẩm sinh. Ông Lương đã báo cáo với lãnh đạo cùng kíp trực để xử lý sự việc và tạm giao cho đơn vị quản lý.

Như vậy, đối với việc cháu bé bị bỏ rơi như trong đơn thư của chị Nguyễn Thị Sim gửi tòa soạn trùng khớp với thông tin hồ sơ lưu của cháu Trần Uyển Nhi mà Sơ Tư pháp đã cung cấp cho phóng viên. Điều này cũng được phóng viên kiểm chứng trong buổi làm việc với bà Hồ Thị Bạch Tuyết ngày 25/2. Bà Tuyết cũng khẳng định đã giúp đỡ chị Sim đưa con lên trung tâm. Trong chuyến đi đó còn có bà Ngọc (em gái bà Tuyết), bà Trâm (chị chồng bà Ngọc).

Bé Uyển Nhi tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (chụp năm 2012)

Theo những tư liệu mà phóng viên có được, để đưa trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội có hai khả năng xảy ra. Một là đứa trẻ đó bị bỏ rơi như trường hợp cháu Nguyễn Thu Hà (Trần Uyển Nhi). Với trường hợp này, người mẹ bỏ con sẽ không còn quyền quyết định số phận của con mình nữa – nhất là khi cơ quan chức năng không thể xác định được nhân thân của cháu bé.

Trường hợp thứ hai là gia đình của cháu bé không có khả năng nuôi con và gia đình cho con vào trung tâm với cam kết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, nếu khi có người nhận cháu nhỏ này làm con nuôi thì cơ quan chức năng sẽ gặp trực tiếp gia đình để lấy ý kiến của mẹ, ông bà cháu bé. Được sự đồng ý của những người này, cháu bé mới được cho làm con nuôi.

Theo lời chị Nguyễn Thị Sim, sau khi bà Hồ Thị Bạch Tuyết đề nghị giúp đỡ cháu Nguyễn Thu Hà vào trung tâm, chị Sim chỉ suy nghĩ rằng, để con một thời gian ngắn ở trung tâm để tập trung làm việc kiếm tiền rồi một thời gian sau sẽ đón cháu về. Với tâm tư của một người mẹ như chị Sim, nếu chị là người “xây dựng kịch bản” thì liệu chị có muốn tự mình tước quyền làm mẹ đối với cháu Nguyễn Thu Hà hay không?.

Chị Nguyễn Thị Sim

Trao đổi với VOV về vụ việc mất con của chị Nguyễn Thị Sim, chiều 5/3, ông Phạm Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Sở sẽ báo cáo sự việc với UBND TP Hà Nội, Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp để làm rõ vụ việc.

Theo quy định, đầu tiên là cơ quan điều tra sẽ vào cuộc để xác minh việc chị Nguyễn Thị Sim có phải là mẹ của cháu Nguyễn Thu Hà (Trần Uyển Nhi) hay không, sau đó cơ quan chức năng sẽ làm việc với trung tâm.

“Toàn bộ hồ sơ của cháu Trần Uyển Nhi (Nguyễn Thu Hà) làm không đúng sự thật thì trung tâm phải chịu trách nhiệm”, ông Phương nói.

Về vụ việc này, sáng 6/3, Cục Con nuôi-Bộ Tư pháp cũng cho biết sẽ báo cáo lại lãnh đạo và thông tin cho báo chí./.