Trước thông tin voọc chà vá chân xám, được xếp hạng nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong sách đỏ Việt Nam, đồng thời có tên trong danh sách 25 loài thú linh trưởng quý hiếm, nguy cấp nhất trên thế giới bị hành hạ, giết hại dã man có nguồn gốc tại địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, chiều 20/7, phóng viên VOV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Tấn Liêm, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum. 

Ông Liêm khẳng định: Ngay sau khi biết thông tin về sự việc trên mạng, lãnh đạo Chi cục đã chỉ đạo ngay các hạt kiểm lâm cấp huyện kiểm tra, làm rõ thông tin mà các phương tiện thông tin đã đưa. Đến chiều 20/7, theo báo cáo mà các đơn vị cơ sở gửi về thì chưa xác định được sự việc có phải xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum hay không.

Hiện tại, cùng với việc chỉ đạo các hạt kiểm lâm tiếp tục rà soát địa bàn, ông Liêm cũng khẳng định, nếu phát hiện đúng có sự việc thì sẽ kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Tấn Liêm cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay, chưa có tài liệu chính thức nào công bố là có voọc chà vá chân xám và những loài voọc khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên thì vào cuối năm 2008, đại diện Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp của Hội động vật FranFurt - CHLB Đức cho biết, họ đã phát hiện được quần thể rất lớn của loài voọc chà vá chân xám, gồm 150 cá thể tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum.

Còn tại huyện Sa Thầy, nơi xảy ra “nghi án” giết voọc, ông Đào Xuân Thủy, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, từ tháng 3 – 11/2010, đoàn cán bộ của trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tiến hành khảo sát tại đây, sơ bộ đánh giá tại Vườn quốc gia còn khoảng từ 10 - 12 đàn voọc chà vá, trung bình mỗi đàn có từ 8 - 10 con.

Điều rất đáng chú ý là ở đây tồn tại cả 3 loài voọc có tại nước ta, là chà vá chân xám, chà vá chân đen và chà vá chân nâu./.