Liên tiếp trong thời gian gần đây, người dân một số huyện trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Nông, Đắc Lắc bị đàn voi rừng về phá hoại hoa màu, nhà cửa. Đặc biệt đã có vụ voi rừng hung hãn quật chết người. Điều này đã dấy lên sự lo ngại của người dân.

voi-1.jpg
Dấu chân của voi rừng trên rẫy của bà Lê Thị Thêm

Trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, một đàn voi với khoảng 20 con, sống trong lâm phần của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Cư M’lanh đã vào khu vực thôn 5, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp để kiếm ăn và đã phá nát khoảng 5 ha cây trồng của người dân.

Bà Lê Thị Thêm ở thôn 5, thị trấn Ea Súp có 10 ha đất trồng sắn và cao su. Khi nghe tin đàn voi đến phá hoại cây trồng quanh khu vực diện tích gia đình đang canh tác, bà Thêm vội vã xuống hiện trường và bàng hoàng khi thấy vườn sắn sắp cho thu hoạch, vườn cao su gần 3 năm tuổi đã bị đàn voi vào phá tan hoang. Còn chòi rẫy cũng bị phá tan tành.

Bà Lê Thị Thêm nức nở: “Voi về lần này là lần thứ 2 rồi. Nó đã về 4 ngày nay, phá hết cao su, nhổ hết sắn không còn cái gì. Cuộc sống có nhiều khó khăn, bây giờ dân lại càng nghèo khổ. Chúng tôi mong muốn Nhà nước giúp đỡ, có cách nào mang voi về khu bảo tồn để vừa lợi cho nước, vừa lợi cho dân”.

Dẫn tìm cách xua đuổi voi rừng phá hoa màu

Theo ông Đỗ Viết Thụ, Trưởng phòng Bảo tồn voi hoang dã, Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng voi rừng về khu dân cư phá hại hoa màu, nhà cửa của người dân là do môi trường sống của voi rừng ngày càng bị thu hẹp. Rừng bị tàn phá khốc liệt đã khiến nguồn thức ăn của voi cạn kiệt. Không có thức ăn, voi rừng kéo hàng đàn về rẫy của dân để kiếm ăn ngày càng tăng.

Trước thực tế voi rừng thường xuyên vào khu dân cư phá hoại hoa màu, nhà cửa của người dân, chính quyền và các ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp để ngăn chặn và xua đuổi đàn voi rừng ra khỏi khu dân cư, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, đồng thời kiên quyết không để đàn voi bị sát hại.

Ông Đỗ Viết Thụ cho biết: “Mỗi lần voi về, chúng tôi vừa hỗ trợ xua đuổi, vừa tham gia với dân sao cho họ cảm thấy gần gũi và chúng tôi tuyên truyền để bảo vệ đàn voi. Nghe những lời giải thích, tuyên truyền đó, người dân đã dịu lại. Đã có những lúc người dân nghĩ đến giải pháp tiêu cực trong biện pháp xua đuổi. Chính vì vậy, việc tuyên truyền rất quan trọng và chúng tôi còn tiếp tục làm. Bên cạnh đó, ngày hôm qua chúng tôi cũng đã làm việc với Ủy ban huyện và đề nghị xúc tiến thành lập ngay tổ để hỗ trợ người dân xua đuổi. Cụ thể, thì huyện phải thành lập lực lượng xua đuổi bao gồm bộ đội, công an, đại diện ủy ban xã, thị trấn và cấp kinh phí hàng năm cho họ”.

Còn theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc thì lần này, dù chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng cùng người dân dùng các dụng cụ tạo tiếng vang như loa, chiêng trống, xoong nồi để xua đuổi voi. Tuy nhiên, đàn voi này rất lì lợm, đuổi chỗ này voi di chuyển sang chỗ khác và thường xuất hiện vào ban đêm nên việc xua đuổi không mấy hiệu quả.

“Về giải pháp giải quyết những xung đột giữa voi và người dân là bài toán rất khó. Vì trước đây vùng canh tác này là vùng ưa thích của voi, đó là sinh cảnh rừng khộp. Trong quá trình phát triển kinh tế vùng, một số diện tích rừng này đã bị chuyển đổi qua một số mục đích khác như làm nông nghiệp, trồng cao su. Vì vậy tại thời điểm này và sau này, voi sẽ thường xuyên xung đột với người. Giải pháp cho việc này chỉ còn cách là chúng ta quy hoạch lại vùng canh tác nông nghiệp xa khu vực rừng và khôi phục lại những diện tích rừng đã bị chuyển đổi. Chúng ta không thể bảo tồn voi mà song hành việc phát triển kinh tế thì đây là bài toán rất khó trong vùng Ea Súp bây giờ”, ông Luân nhấn mạnh./.