Với mức sử dụng 3 tỷ lít bia mỗi năm, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ ba châu Á. Hàng năm, nước ta còn tiêu thụ khoảng 80 triệu lít rượu của các nhà máy, chưa kể lượng rượu nấu trong các hộ dân. Như vậy, Việt Nam tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng cho rượu, bia mỗi năm.
Trong khi đó, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh và cấu thành 200 loại bệnh khác, trở thành một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế được Chính phủ giao chủ trì dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Phóng viên VOV phỏng vấn Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) về vấn đề này.
PV: Thưa bà, theo Tổ chức Y tế thế giới, có 21% số người tử vong do bệnh ung thư có thể phòng ngừa nếu không sử dụng rượu, bia. Trong khi đó, tình trạng lạm dụng rượu bia ở nước ta có chiều hướng ngày càng gia tăng. Vậy, tình hình sử dụng rượu bia tại Việt Nam có điều gì khác so với các nước phát triển trên thế giới?
Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh: Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới khác nhau rất nhiều. Nếu nói về gánh nặng bệnh tật thì tỷ lệ bệnh tật và tử vong trên toàn cầu hiện nay do rượu bia gây nên chiếm 5,1%.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ này là 8,8%, còn tại Việt Nam hiện nay chỉ là 4,5%, thấp hơn mức toàn cầu, bởi vì chúng ta bước vào sử dụng rượu bia và lạm dụng rượu bia muộn hơn các nước phát triển. Các nước phát triển đã lạm dụng rượu bia trước chúng ta hàng trăm năm và họ đã phải trả giá về điều đó. Đó là bài học nhãn tiền để chúng ta thấy rằng, Việt Nam cần có chính sách để ngay từ bây giờ không lặp lại gánh nặng đó.
Thứ 2 là về chính sách, tại các nước phát triển, họ kiểm soát rất chặt chẽ về quảng cáo rượu bia và những quy định về điểm bán, giờ bán rượu bia và người được phép mua. Ở những nước này, không thể mua được rượu bia một cách dễ dàng nếu chưa đủ 18 tuổi trở lên hoặc 21 tuổi trở lên (đối với Mỹ); hoặc một số nước như Thái Lan đã quy định giờ bán rượu, bia. Thái Lan là một đất nước thu hút khách du lịch nhiều nhưng nếu đến đây đâu phải dễ mua rượu, bia ở bất cứ chỗ nào. Về quảng cáo rượu bia, họ hạn chế quảng cáo vào những giờ giới trẻ còn đang thức, thường là sau 22 giờ mới được quảng cáo; còn tại Việt Nam, mới đang trong giai đoạn dự thảo các quy định và vừa mới đưa ra dự thảo quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ đã gặp phải sự phản ứng.
Thứ 3 là, tại các nước phát triển đã đạt đến trình độ tiêu dùng thông thái, biết thế nào là lạm dụng rượu bia và đặc biệt là khi say rượu thì không lái xe.
PV: Để phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế chủ trì soạn thảo dự thảo luật quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, từ những lần dự thảo đầu tiên, có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ, bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, cho rằng không khả thi. Vậy đến nay, lộ trình soạn thảo dự thảo luật này đến đâu rồi, thưa bà?
Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh: Lộ trình này trong thời gian vừa qua được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Trong chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ này cũng đã đề cập là sẽ có một dự thảo luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia trình Quốc hội cuối năm nay. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến một tập quán, trong khi đó chúng ta chưa có đủ nguồn lực, chưa đủ thông tin cung cấp cho người dân để vận động người dân ủng hộ chính sách. Vì vậy, ban soạn thảo đã xác định cần phải vào cuộc nhiều hơn nữa, đem lại nhiều thông tin về tác hại của lạm dụng rượu bia cho người dân hơn, đề xuất những chế tài nghiêm minh hơn thì hiệu lực của văn bản luật mới được phát huy.
Dự thảo luật hiện nay vẫn đang trong quá trình xin ý kiến tham vấn chính sách về các nhóm giải pháp và cũng đã đưa ra xin ý kiến dư luận. Tuy nhiên vừa rồi thì nhiều ý kiến cho rằng cấm bán rượu bia sau 22h trong dự thảo luật là không khả thi. Chúng tôi cho rằng, nhận thức là một quá trình. Khi đưa ra quy định có thể gặp phản ứng nhưng nếu có đủ thông tin để nói về giá trị của những quy định này thì sẽ được cộng đồng ủng hộ và càng ngày càng ủng hộ vì càng ngày càng xảy ra những vụ bạo lực do rượu xảy ra, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán vừa qua, hàng nghìn trường hợp phải nhập viện do lạm dụng rượu bia gây ra.
PV: Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, khi uống vào cơ thể, chỉ có từ 2% đến 8% rượu được bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu và hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận tích tụ gây bệnh. Vậy, trước tình hình lạm dụng rượu bia hiện nay, Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với người dân, thưa bà?
Thạc sĩ Vũ Minh Hạnh: Thông điệp tốt nhất, chúng tôi muốn chuyển tải đến mọi người là không nên uống rượu, bia. Tuy nhiên, hiện nay mỗi người đến với rượu bia đều có những lý do riêng. Vì vậy không phải là đưa ra thông điệp vừa nêu là người ta sẽ thôi, không uống rượu, bia nữa. Vì vậy, vấn đề là làm thế nào để những người uống rượu bia ít có tác hại nhất.
Thông điệp mà tôi muốn khuyến cáo là không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ 1 ngày đối với nam giới và không nên uống quá một đơn vị rượu/1 ngày đối với nữ giới và nam giới trên 65 tuổi. Tức là mỗi ngày, một người nam giới tốt nhất chỉ nên uống 1 ,5 chai bia hoặc 1,5 lon bia 330ml; nếu uống rượu vang thì cũng chỉ uống tối đa khoảng 2 ly 100ml (nống độ 13,5 độ ; nếu rượu mạnh (nồng độ 40-45 độ) thì uống không quá 2 chén hạt mít 30ml.
Đối với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, gan và các bệnh mãn tính khác thì tốt nhất là không nên uống. Một điều nữa tôi muốn khuyến cáo là người uống rượu bia phải quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm. Nếu là rượu giả, bia giả, bia cỏ, rượu thủ công thì chỉ cần uống bằng một nửa lượng khuyến cáo đã gây hại cho cơ thể vì trong các sản phẩm này có rất nhiều độc tố./.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!