Nhìn con gái chưa đầy 1 tháng tuổi bú kém, hơi thở khò khè khiến chị Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng rối bời. Con gái chị đang được điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai do viêm phổi đã 3 ngày nay. Chị Linh cho biết, trước đó, bé có bị ho, nhịp thở khó vì có đờm nên chị cho con đến khám tại phòng khám tư nhân gần nhà.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi kèm với đơn thuốc điều trị trong 3 ngày. Tuy nhiên, 3 ngày sau tình trạng của bé không hề thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng thêm, lúc này gia đình mới tá hỏa đưa con đến bệnh viện chuyên khoa.

Chị Linh rơm rớm nước mắt: “Thời tiết mấy ngày hôm nay nồm ẩm, khiến người lớn rất khó chịu huống gì là trẻ em. Lúc đầu gia đình cũng chủ quan đưa bé đi khám ở phòng khám gần nhà vì bé mới sinh không tiện đưa đi ra ngoài. Sau đó đến khoa Nhi, BV Bạch Mai, các bác sĩ nói cháu bị viêm phổi nặng phải ở lại viện để điều trị”.

tre_nhap_vien_fkvf.jpgSố trẻ tới khám tại khoa Nhi, BV Bạch Mai trong những ngày gần đây tập trung nhiều ở nhóm bệnh viêm phổi, hen, nhiễm khuẩn hô hấp trên.

Mấy ngày qua, mưa phùn kéo dài khiến độ ẩm không khí tại Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc luôn duy trì ở mức cao, gây ra tình trạng nồm ẩm khiến tường, sàn nhà liên tục “đổ mồ hôi” ướt nhẹp, hết sức khó chịu. Với thời tiết đặc trưng như vậy, số trẻ ốm sốt liên tục tăng cao trong những ngày gần đây.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ngày qua, số bệnh nhi tới khám tăng 15% so với ngày thường (180-200 trẻ/ban ngày, hơn 100 trẻ/ban đêm). Số trẻ tới khám tập trung nhiều ở nhóm bệnh viêm phổi, hen, nhiễm khuẩn hô hấp trên.

Theo bác sĩ Dũng, tuy số lượng bệnh nhi tới khám đông nhưng số lượng trẻ phải nằm điều trị tại bệnh viện không tăng đột biến do các bác sĩ khám sàng lọc, phân loại bệnh ngay từ đầu nên hạn chế đáng kể việc quá tải, nằm ghép. Trong quá trình thăm khám cho bệnh nhi, các bác sĩ đã giải thích rõ với gia đình cần hết sức bình tĩnh, với những trường hợp nặng sẽ buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ, trẻ không cần thiết phải nhập viện mà sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà.

Theo kinh nghiệm của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, thời tiết nồm ẩm như hiện nay là môi trường lý tưởng cho virus sinh sôi, phát triển, là những tác nhân khiến trẻ đổ bệnh. Với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

 Đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi do sức đề kháng, miễn dịch kém nên rất dễ mắc các bệnh về hô hấp. “Trẻ nhỏ thường thở bằng mũi mà chưa biết thở bằng miệng như người lớn, nên khi trẻ tắc mũi thì trẻ khó thở rất mạnh. Vì vậy, để phân biệt trẻ tắc mũi với viêm phổi ở trẻ nhỏ rất khó. Khi đó, cha mẹ nên vén áo của trẻ lên, thấy trẻ thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực, trẻ ăn kém, không chịu chơi là những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc viêm phổi nặng, cần phải đưa trẻ đến trung tâm y tế để được điều trị”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Cách phòng tránh bệnh ở trẻ khi trời nồm ẩm

Theo bác sĩ Dũng, hiện tượng trời nồm như hiện nay không chỉ làm không khí ẩm ướt, khó chịu mà chính là môi trường để nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển. Đáng nói, nấm mốc không chỉ thể hiện ra ở những vết rêu mốc trên tường, sân nhà… mà nó có thể lơ lửng trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được, bám vào quần áo, chăn chiếu, đồ dùng sinh hoạt…

Vì thế, để hạn chế tác nhân gây bệnh cho trẻ, gia đình cần giữ cho trẻ không gian sống khô thoáng bằng cách sử dùng máy hút ẩm, điều hòa 2 chiều ở chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng. Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn cotton thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà; Thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc; không phơi quần áo trong nhà.

Đồ chơi, hay những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Cha mẹ tuyệt đối không được mặc quần áo ẩm cho trẻ mà phải sấy, là khô nhằm loại bỏ những tác nhân có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ.

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này, cần cách ly, hạn chế tiếp xúc với người sốt phát ban, viêm đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất. Khi chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hằng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần bệnh nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng... Cha mẹ tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị cho trẻ mà hãy đưa trẻ đến chuyên khoa để được khám và uống thuốc theo đơn.

Đối với trẻ mắc bệnh, cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều bữa. Cần lưu ý giữ ấm cho trẻ tránh tình trạng cơ thể trẻ nhiễm lạnh vì trong ngày có những thời điểm nhiệt độ lên cao nhưng thường đêm và sáng sớm vẫn se lạnh. Đặc biệt khi trẻ nôn trớ, cha mẹ không nên ép trẻ ăn tiếp làm trẻ ngại khi nhìn thấy thức ăn.

Ngoài ra, cha mẹ nên tiêm chủng đầy đủ cho bé. Trẻ bị ốm không nên đưa tới lớp để tránh lây lan cho những đứa trẻ khác./.