Hôm nay (6/5), Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM xác nhận đã có 1 trường hợp bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Tính từ đầu năm đến nay, đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại TP HCM có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1
Bệnh nhân là nam tên N.H.C, 72 tuổi ở quận 11, TP HCM nhập viện vào Bệnh viện 7A/Quân khu 7 vào ngày 2/5 và ngày 3/5 thì tử vong. Người nhà cho biết, trước đó, ngày 26/4, ông C đi du lịch 2 ngày ở Rừng Sác thuộc huyện Cần Giờ, về nhà thì bắt đầu có triệu chứng sốt cao, ho, tức ngực, khó thở. Người nhà cũng xác nhận là bệnh nhân không tiếp xúc với gia cầm, gia súc, chim hoang dã hay người nhiễm cúm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus cúm A/H1N1.
Ngay sau khi xác định bệnh nhân C dương tính với cúm A/H1N1, bệnh viện đã thông báo cho gia đình và Trung tâm y tế Dự phòng quận 11 để tiến hành khử trùng, phòng chống dịch bệnh lây lan.
Trung tâm Y tế Dự Phòng TPHCM và Trung tâm Y tế Dự Phòng quận 11 đã đến gia đình bệnh nhân để hướng dẫn người nhà khử trùng, mang khẩu trang phòng ngừa; đồng thời, lên danh sách khoảng 56 người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân để cho uống thuốc Tamiflu phòng ngừa. Đến nay, tất cả những người này không có trường hợp nào bị cúm.
Theo Tiến sỹ-Bác sỹ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM thì cúm A/H1N1 là cúm mùa, thường rơi vào cuối năm, có lây từ người sang người nhưng nhẹ và đã có vaccine phòng ngừa nên người dân cũng không nên quá lo lắng. Bác sỹ cũng khuyên người dân nên đi chích ngừa để an tâm hơn.
Tiến sỹ-Bác sỹ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM cho biết: “Kế hoạch phòng chống cúm đã triển khai xuống các quận huyện. Thứ nhất, chúng ta cẩn thận, cúm A/H1N1 có lây từ người sang người. Tuy nhiên nó là dạng cúm mùa, nhẹ, không phải ai nhiễm cũng có biểu hiện bệnh và không phải ai nhiễm cũng diễn tiến nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp. Trong mùa này, phải cẩn thận biết cách bảo vệ mình khi tiếp xúc với người nghi nhiễm. Các trung tâm y tế quận huyện cũng đã truyền thông xuống người dân là khi có biểu hiện ho sổ mũi hắt hơi thì phải đi khám để loại trừ và phân biệt với cúm A/H5N1. Cúm A/H1N1 đã có vaccine phòng ngừa nên phương pháp lâu dài nhất là đi chích vaccine phòng ngừa”./.