PV VOV.VN phỏng vấn Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) xung quanh việc tổ chức lễ cầu an, dâng sao giải hạn trong các cơ sở thờ tự của Phật giáo cũng như việc người dân nên ứng xử thế nào cho phù hợp trước những mưu cầu trong cuộc sống.
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người thường mưu cầu hạnh phúc, bình an. Đầu năm, các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người, là việc làm có ý nghĩa, đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.
Thượng tọa Thích Đức Thiện- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam. |
Lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo theo tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (gồm Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo), được thực hiện trong các chùa ở Việt Nam từ hàng ngàn năm nay chứ không phải mới phát sinh. Về mặt bản chất, dâng sao giải hạn đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt Nam.
Tôi lấy ví dụ, việc dâng sao cũng như việc thả cá tiễn ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp đều cùng một tư tưởng, theo truyền thuyết của đạo Lão. Việc bày tỏ niềm tin là quyền của mỗi người, theo hay không theo là tùy mọi người.
Tinh thần của nhà chùa là phục vụ chúng sinh. Khi việc cầu an hàng năm đã trở thành nhu cầu của người dân thì tôn giáo với chức năng của mình, thỏa mãn nhu cầu của người dân, đem lại sự bình an cho mọi người, cho xã hội.
Giáo hội nghiêm cấm việc tổ chức nghi lễ lệch chuẩn tâm linh như một hình thức dịch vụ. Mặc dù, nhìn rộng ra thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, dưới góc độ nhìn nhận của xã hội, người ta ứng xử trước nhu cầu này như một dịch vụ thì không ai có ý kiến gì cả.
Trong quá trình phát triển, ở Việt Nam, chúng ta nhìn nhận sự việc đó dưới góc độ không đồng ý nó như là một dịch vụ, tức là chúng ta không chấp nhận các nghi lễ ở trong chùa được ứng xử như là dịch vụ mà đây là sự phục vụ cho nhu cầu của con người và nhu cầu của xã hội.
Khi mà xã hội không chấp nhận thì không được làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội. GHPGVN trong thời gian qua đều định hướng như vậy. Câu chuyện ứng xử tâm linh như một dịch vụ cũng không phải là phổ quát trong tất cả các chùa ở Việt Nam.
Cầu an đầu năm là một sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt Nam. |
PV: Tết âm lịch năm 2020, GHPGVN có hướng dẫn, chỉ đạo gì đối với việc thực hiện các nghi lễ tâm linh, tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự của Phật giáo, thưa Thượng tọa?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có công văn số 016/CV-HĐTS ngày 6/1/2020 hướng dẫn cụ thể các pháp hội tổ chức nghi thức cầu an đầu năm, đặc biệt nhấn mạnh việc tránh mê tín dị đoan.
Tinh thần là Giáo hội không mong muốn xảy ra những hình ảnh không đẹp trong các đại lễ cầu an. Các sư trụ trì chịu trách nhiệm và phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức như thế nào cho hợp lý, đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo, dễ bị xã hội hiểu lầm là lệch chuẩn tâm linh.
Phải làm sao để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới có được sự an lạc và gặp nhiều thiện duyên trong đời sống.
Trong quá trình phát triển, mâu thuẫn là động lực cho sự phát triển, cái gì mâu thuẫn mà đem lại lợi ích cho xã hội thì chúng ta điều chỉnh. Đó như là những bài học, những khiếm khuyết mà mình cần phải sửa chữa.
PV: Ranh giới giữa chánh tín và mê tín vô cùng mong manh, quan niệm về vấn đề siêu hình không phải là cái gì cụ thể mà cân đong đo đếm được. Thượng tọa có lời khuyên gì tới các Phật tử, nhân dân trong việc mưu cầu hạnh phúc, bình an?
Thượng tọa Thích Đức Thiện:Như tôi đã trình bày, nhu cầu bình an là nhu cầu mà ai cũng có. Mùa xuân là khởi đầu của một năm, ai cũng mong muốn sự an lành, đem đến cho họ sự an tâm. Nhưng mưu cầu thế nào đừng để suy nghĩ rơi vào trạng thái cực đoan, tiêu cực, mà phải đem lại sự an tâm, lạc quan.
Cái căn bản nằm trong sự nỗ lực của chính mình. Không thể nào chúng ta nghĩ rằng sự quyết định các thành tựu của mình lại được chi phối bởi một thế lực siêu hình nào đó.
Phật giáo không có quan niệm như thế. Phật giáo đem đến cho chúng ta một ngọn hải đăng và đại lễ cầu an đó chính là ngọn hải đăng để chúng ta hướng tới bằng nỗ lực của chính mình.
Phật giáo bao giờ cũng nhấn mạnh tới nội lực của chính mình, chứ không phải là tha lực ở đâu đó đem đến cho chúng ta những may rủi.
Phật dạy, cuộc sống là vô thường. Không ai có thể khẳng định mình không gặp những không may trong cuộc đời, không ai có thể khẳng định mình luôn có một con đường màu hồng. Phật giáo đem lại cho chúng ta một nghị lực, một năng lượng. Với bất cứ hoàn cảnh nào đều có giải pháp, có Phật pháp là có phương pháp. Đấy là tinh thần chung của các đại lễ cầu an.
Giáo hội sẽ nhấn mạnh đến các đại lễ cầu an theo truyền thống, theo nghi lễ để các Phật tử đón nhận năng lượng niềm tin, để có nghị lực trong suốt cả một năm. Mọi hoạt động Phật sự cũng vì mục tiêu chung ích đạo lợi đời theo đúng phương châm của GHPGVN là "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tọa./.