Hàng chục ngàn gia đình ở tỉnh Bình Thuận đang thiếu nguồn nước cho sinh hoạt hằng ngày. Nguyên nhân do thời gian qua nắng hạn kéo dài, các nhà máy nước không đủ nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cung ứng cho người dân. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Thuận đang triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.
Nắng hạn diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không những ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Nguồn nước tại các hồ chứa và nước ngầm bị thiếu hụt dẫn đến việc các nhà máy không đủ nước thô sản xuất nước sạch cung ứng cho nhân dân.
Hai xã Hồng Liêm và Hồng Sơn ở huyện Hàm Thuận Bắc là khu vực chịu ảnh hưởng khá nặng do thiếu nguồn nước ngầm. Nhà máy nước Hồng Liêm hoạt động cầm chừng từ 3 tháng qua, bởi lẽ 7 giếng khoan đã hụt nước.
Ông Trần Phước Thủy, quản lý Nhà máy nước Hồng Liêm cho biết: “Nhà máy thiếu nước, bơm khoảng 7 tiếng mới đầy được một bể chứa 50m3. Sau đó mới bơm ra cho bà con sử dụng. Khoảng 2 tiếng đồng hồ bể chứa đã hết nước, máy ngừng bơm”.
Ông Nguyễn Nam, người dân xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, chỉ có một số ít hộ gia đình gần nhà máy là có nước dùng, còn lại hơn 1.000 hộ dân ở xa hầu như không có nước sạch, cuộc sống sinh hoạt rất chật vật: “Nước không đủ tắm rửa, xài từng giọt từng giọt thôi. Ở đây rất khó khăn. Thiếu nước, không làm ăn được gì hết. Tắm không dám tắm. Chén bát phải rửa từng hột”.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện có 22 xã, thị trấn trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện: Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Nặng nhất là 3 xã bãi ngang ven biển huyện Hàm Tân, gồm: Sơn Mỹ, Thắng Hải và Tân Thắng. Bởi lẽ, Nhà máy nước Tân Thắng cấp nước cho khu vực này hiện đã ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Minh Hưng, quản lý Nhà máy nước Tân Thắng cho biết: “Nguồn nước của nhà máy lấy từ đập Cô Kiều, mà đập nước này khoảng từ ngày 10/ 3 là đã hết nước hoàn toàn. Và cũng kể từ đó đến nay, Nhà máy nước Tân Thắng đã ngưng cấp nước. Bà con buộc phải khai thác lại, tận dụng các giếng cũ, bây giờ đa số đã bị nhiễm phèn và nhiễm mặn hết”.
Do bị nhiễm phèn và nhiễm mặn, nên nguồn nước vét được từ giếng đào và giếng khoan cũng không thể sử dụng được trong sinh hoạt. Người dân phải mua nước tinh khiết về uống và nấu cơm. Còn nước tắm giặt và sử dụng cho sinh hoạt khác phải mua ở Bình Châu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mỗi khối nước có giá từ 80.000 đến 100.000 đồng. Đời sống của người dân vùng bãi ngang huyện Hàm Tân vốn dĩ đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn vì không có đủ nước dùng.
Ông Nguyễn Lai, một người dân ở xã Tân Thắng nói: “Gia đình tôi hằng ngày bình quân thường thường sử dụng khoảng 2m3 nước, nhưng bây giờ chỉ sử dụng nửa thùng nước cho một người. Thiếu tiền thiếu bạc coi như đã khổ rồi, thiếu nước lại khổ hơn nữa. Nghèo chi không bằng nghèo cái nước”.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết, do nguồn nước ngầm và sông suối tự nhiên gần như không còn, nên vào lúc này đã có 2 nhà máy nước ngừng hoạt động là: Tân Thắng (huyện Hàm Tân) và Lạc Tánh (huyện Tánh Linh); Nhiều nhà máy khác cũng đang hoạt động cầm chừng và có nguy cơ đóng cửa là: Tân Xuân, Tân Minh, Tân Nghĩa, Sông Phan (ở huyện Hàm Tân)… Hơn 23.800 hộ dân với gần 220.000 người ở tỉnh Bình Thuận hiện đang thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương bị ảnh hưởng chủ động khắc phục hậu quả do nắng hạn gây ra. Trong đó, tăng cường quản lý chặt nguồn nước tại các hồ chứa còn lại, ưu tiên phục vụ cho nước sinh hoạt. Đồng thời, tại các vùng khô hạn cần triển khai khơi thông kênh mương tận dụng nước ao hồ, nước giếng khoan, cung cấp nước thô cho các nhà máy để tiếp tục duy trì hoạt động cung cấp nước sạch cho người dân. Các địa phương tăng cường vận động người dân chủ động tìm các nguồn nước tại chỗ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước hiện có.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi động viên người dân chủ động tận dụng các giếng khoan, các giếng đào đã có. Cũng như tiếp tục đào và khoan các giếng mới để có nước sinh hoạt. Những vùng mà không giải quyết nổi điều kiện nêu trên, tỉnh sẽ hỗ trợ về kinh phí để bà con mua nước cũng như vận chuyển nước sinh hoạt trong điều kiện ngặt nghèo này”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực nam Trung Bộ, từ nay đến hết tháng 5, lượng mưa phổ biến trên địa bàn Bình Thuận thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm trước, mực nước trên các sông tiếp tục giảm mạnh; tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Do đó, vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho người dân có thể trở nên căng thẳng hơn./.