Trước tình hình tai nạn giao thông gia tăng trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, để ngăn ngừa và kéo giảm tai nạn giao thông trong đêm giao thừa và trong những ngày tết sắp tới, nhất là phòng, tránh tai nạn xe mô tô, xe gắn máy, chiều 18/2, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có công điện khẩn gửi các ban ngành để tăng cường biện phát nhằm hạn chế tai nạn giao thông.
Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện đề nghị: Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 2620/CĐ-TTg ngày 19/12/2014, số 115/CĐ-CP ngày 23/1/2015 và số 262/CĐ-TTg ngày 14/2/2014 về việc bảo đảm TTATGT dịp Tết Ất Mùi; kịp thời báo cáo các vụ TNGT giao thông đặc biệt nghiêm trọng về Ủy ban ATGT Quốc gia.
Đồng thời, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình TTATGT và hoạt động vận tải khách qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ Tết.
Công an tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ khi lái xe; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, xã về nguy cơ tai nạn giao thông khi lái xe trong tình trạng đã uống rượu, bia; nguy cơ chấn thương sọ não và tử vong trong trường hợp bị tai nạn giao thông khi đi mô tô, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm đúng quy định; yêu cầu nhân dân thực hiện “Đã uống rượu bia-không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”; “Không cầm và nghe điện thoại di động khi lái xe”.
Theo thống kê mới nhất của bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, tính từ 6h sáng hôm qua 18/2 đến hôm nay, 19/2/2015, tức từ 30 đến mùng 1 Tết, đã có tổng cộng 257 trường hợp điều trị tại khoa cấp cứu, trong đó có 162 trường hợp phải nhập viện.
Số người nhập viện vì tai nạn giao thông là 70 người so với 61 người ở cùng thời điểm năm ngoái.
Trong đó có 57 trường hợp bị chấn thương sọ não, tăng 14 người, 5 trường hợp được xác định có rượu bia. Tính chung các ca chữa trị ngoại khoa và nội khoa đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong ngày 30 Tết, toàn quốc xảy ra 56 vụ tai nạn, làm chết 38 người, bị thương 39 người so với cùng kỳ ngày 30/01/2014 (30 tết) giảm 5 vụ, tăng 8 người chết, giảm 10 người bị thương.
Trong đó: Đường bộ xảy ra 56 vụ, làm chết 38 người, bị thương 39 người; Đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra tai nạn.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc thông suốt, an toàn, không xảy ra tai nạn giao thông; mật độ giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh giảm đáng kể so với 3 ngày vừa qua (27-29 Tết); trong ngày không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Kết quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT: Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 4.736 trường hợp vi phạm; nộp kho bạc Nhà nước 1 tỷ 346,795 triệu đồng; tạm giữ 31 xe ô tô, 1.037 xe mô tô; tước 165 GPLX; Lực lượng Cảnh sát đường thủy toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 20 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Nộp kho bạc Nhà nước 9,750 triệu đồng.
Tình hình TTATGT qua điện thoại đường dây nóng: ngày 18/02/2015 số cuộc gọi và tin nhắn được tiếp nhận đã giảm đáng kể so với những ngày trước, cụ thể đã có 30 cuộc gọi và 1 tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia. Nội dung các cuộc gọi phản ánh chủ yếu về hoạt động vận tải hành khách, xuất hiện một số điểm ách tắc cục bộ; thắc mắc về tuyến và giờ xe chạy, xin trả lại vé; nội dung tin nhắn phản ánh về việc xuất hiện hiện tượng xe quá tải. Sau khi nhận được điện thoại trên đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh./.