Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác tái định cư (TĐC) phục vụ xây dựng thuỷ điện là phải đảm bảo “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Tuy nhiên, theo Viện Tư vấn phát triển Code, khi tiến hành nghiên cứu dự án di dân tại 4 nhà máy thuỷ điện lớn(Hoà Bình, Tuyên Quang, Bản Vẽ và Yaly) cho thấy, đa số người dân không hài lòng với chỗ ở mới.

IMG_8221.jpg
Khu TĐC Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La)

Ông Phạm Quang Tú – Phó Viện trưởng Viện Code đưa ra con số: “98,8% người dân TĐC ở thuỷ điện Tuyên Quang cho biết không hài lòng với cuộc sống sau TĐC”. Bên cạnh đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư không nhất quán, liên tục thay đổi, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện.

Thiếu đất sản xuất

Ông Nguyễn Văn Niệm - Chủ tịch xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nhận xét: Bà con chuyển đến nơi ở mới thì vấn đề điện, đường, trường, trạm được giải quyết cơ bản (tập trung hơn). Điều dễ thấy nhất là tỷ lệ học sinh đi học đạt từ 80-95%, 98% học sinh mầm non trong độ tuổi được đi học.

Tuy nhiên, những bất cập ở các khu TĐC lại nhiều hơn ưu điểm. Lấy dẫn chứng về TĐC thuỷ điện Plây Krông, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong Nguyễn Văn Niệm cho biết: Sau hơn 5 năm thành lập, hiện xã Hơ Moong có hơn 930 hộ, với gần 5.000 nhân khẩu. Trong thời gian này số dân trong xã tăng thêm 300 hộ với khoảng 1.600 khẩu, sức ép về đất ở, đất sản xuất đối với xã Hơ Moong là rất lớn. Đất chật người đông, cuộc sống của người dân vùng tái định cư gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo của xã theo tiêu chí mới hiện chiếm hơn 80%. Khu TĐC có tới 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, làm nghề nông nhưng ở nhà phố. Mỗi hộ chỉ được cấp 400 m2 đất thổ cư, gần như không có vườn để chăn nuôi, sản xuất... “Mỗi hộ dành 60 m2 để xây nhà ở. Với diện tích xây nhà như vậy thì hộ nào có 6-10 người thì phải trải chiếu nằm đất. Ngoài ra, khi nhà nào có việc vui, việc buồn thì cũng rất bất tiện”.

Chúng ta đã lấy tư duy về cách sống của người Kinh để xây các khu TĐC (khu TĐC của dự án thủy điện Đắk Mi 4C )

Theo ông Nguyễn Văn Niệm, ngay từ đầu các bên tư vấn đã không tham khảo ý kiến của địa phương, công tác khảo sát không kỹ dẫn đến xử lý hậu quả kéo dài. “Tôi đã chứng kiến nhiều buổi chiều, bà con kéo hàng đoàn đi xa 3-4 km, vào khe núi lấy nước về sinh hoạt, trong khi đó các giếng nước được xây trong khu TĐC lại bỏ không vì không có nước”.

Một dẫn chứng khác, bà Lê Thị Nguyện - Trường Đại học Khoa học Huế, khi nói về thực trạng cuộc sống của cộng đồng dân cư ở các khu tái định cư thuỷ điện Thừa Thiên - Huế thì cho rằng, tình trạng phổ biến nhất là nông dân không có đất canh tác, nếu có thì đất cằn cỗi, trơ sỏi đá không canh tác được.

Bà Lê Thị Nguyện đưa ra tâm sự của vợ chồng anh Nguyễn Tăng Trung ở khu TĐC hồ Tả Trạch, thuộc bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc (TT Huế): Sáu năm trước, khi ở xã Dương Hoà, huyện Hương Thuỷ, vợ chồng anh khá giả nhờ có đến 4 ha đất, lại chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống được ấm no, đầy đủ. Khi dự án hồ Tả Trạch được triển khai, gia đình anh phải dời đến bản Phúc Lộc và chỉ được cấp 3 sào đất ở, không có đất sản xuất. Gia đình anh phải vào rừng khai thác lâm sản hoặc làm mướn khắp nơi để kiếm sống qua ngày.

Bà Lê Thị Nguyện cho biết, không riêng gì gia đình anh Trung mà hơn 90% số hộ dân (với hơn 400 nhân khẩu) ở khu TĐC Hoà Bình cũng như 6 khu TĐC còn lại của công trình hồ Tả Trạch đang rất khó khăn. Rất nhiều hộ vì không chống chọi nổi với cuộc nơi đây đã bỏ lại nhà cửa để đến nơi khác tìm kế sinh nhai.

Và 30 năm vẫn chưa hết khó khăn…

TS Lê Thành Ý (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) khẳng định: “Sau 30 năm cư dân TĐC lòng hồ sông Đà vẫn còn chưa hết khó khăn. Từ năm 1979 đến nay, mặc dù có nhiều chương trình, dự án Nhà nước và những hoạt động hỗ trợ từ bên ngoài nhằm khắc phục hậu quả của công tác di dân TĐC song kết quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu qui hoạch TĐC, định hướng phát triển sản xuất và sinh kế cho người dân”.

Kết quả khảo sát năm 2010 tại 3 xã Suối Nánh, Yên Hoà và Vầy Nưa (đại diện cho vùng cao, vùng giữa và vùng thấp của lòng hồ Hoà Bình) cho thấy, gần 50% hộ dân thu nhập đạt bình quân 200.000 đồng/người/tháng; chỉ khoảng 3,4% đạt mức 1 triệu đồng/người/tháng.

“Hạn chế về đất đai, khả năng đầu tư và thu nhập từ lâm nghiệp, thuỷ sản dẫn đến hàng trăm người dân phải vay ngân hàng để mua lương thực, thực phẩm. Có 67,8% số hộ được vay vốn ngân hàng nhưng có tới trên 50% trong số này không dùng vào sản xuất (cho con đi học, mua lương thực, khám chữa bệnh, mua sắm đồ dùng…)”- TS Lê Thành Ý nói.

Nói rõ hơn về những khó khăn của bà con vùng TĐC thuỷ điện Hoà Bình, ông Hà Văn Ý (Chủ tịch UBND xã Yên Hoà, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) cho biết: “Các dự án cây trồng, vật nuôi đều không phù hợp. Đất canh tác chủ yếu là đồi núi dốc nên bị rửa trôi, chỉ sản xuất được 1-2 năm rồi bỏ hoang. Hàng hoá sản xuất ra giá trị thấp, không bán được. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chiếm trên 60% và hộ cận nghèo là 30%”.

Cần các dự án hậu TĐC

Ông Phạm Quang Tú khẳng định, cần kéo dài thời gian hỗ trợ người dân vùng TĐC chứ không phải dừng lại ở 3 năm như hiện tại. Chúng ta mới chỉ tập trung xây các khu TĐC mà công tác quản lý TĐC dường như giao hoàn toàn cho nhà đầu tư. Vì thế, các sinh kế lâu dài gần như không được tính đến.

Cùng đưa ra ý kiến khắc phục những bất cập trong công tác TĐC, ông Nguyễn Văn Niệm cho rằng: “Nhất thiết phải có dự án sản xuất cho những vùng TĐC bằng chính ngân sách của ngành điện. Các bên tham gia từ khâu khảo sát, tư vấn phải có trách nhiệm và có trách nhiệm đến cùng với công tác TĐC”.

Rất ít người dân hài lòng với nơi ở mới (Khu TĐC Chiềng Cọ, Sơn La)

Từ thực trạng nhiều năm TĐC vùng hồ Hoà Bình, TS Lê Thành Ý khẳng định: “Cần tạo lập quỹ phục hồi thu nhập để hỗ trợ người dân vùng TĐC trong vòng 10 năm, thậm chí 20 năm. Quỹ cần được tính toán xác lập theo dự án và chủ công trình sẽ phải trích lợi nhuận sau khi đưa công trình vào hoạt động”.

TĐC thuỷ điện rất khác so với giải phóng mặt bằng ở miền xuôi, đồng thời cũng tạo nhiều biến động trong đời sống dân cư. Trong TĐC ở nhiều nơi, việc xây dựng cơ sở vật chất cho dân thường chưa được quan tâm đúng mức đến phong tục, tập quán của người dân tộc; nhiều nhà TĐC được xây dựng không khác gì khu dân cư người Kinh, thiếu sự gắn bó với truyền thống văn hoá lâu đời của người dân bản địa.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, cần tập trung xây dựng chính sách thống nhất về di dân TĐC trên cơ sở coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời những sai phạm. Do nhiều cộng đồng dân cư có thói quen, lối sống, tập quán khác nhau… chính sách TĐC không thể giống nhau mà cần qui định cụ thể từng đối tượng. Mọi phương án TĐC chỉ mang lại kết quả và có hiệu lực khi thoả mãn, đáp ứng được điều kiện cuộc sống tốt hơn cho cả cộng đồng./.