Địa bàn xã Quảng Hải, Quảng Trạch là một cồn nổi nằm giữa dòng sông Gianh. Đất ven làng đầy những vết xói lở nham nhở do sóng nước từ sông Gianh vỗ vào. Những bãi đất màu mỡ ven sông mà người dân trồng rau màu đang bị sông khoét dần. Ông Trịnh Đình Vinh, cán bộ địa chính xã, chỉ tay ra phía mặt sông, nơi có một doi đất nhỏ, cho hay: “Doi đất ấy mấy năm trước còn nằm gần trung tâm xã, nay đang “tiến” dần ra phía sông”. Con đường liên thôn chạy ngang qua trung tâm xã nay chỉ còn cách bờ sông không đầy ba chục mét. Hàng tre dày chắn gió trồng bên sông nay không còn. Sông đã “ăn” mất nó từ lâu.
Chị Cao Thị Hồng có căn nhà sát bên bờ sông, không khỏi lo lắng: “Nhà tui trước đây nằm cách bờ sông hơn 30m. Chỉ hai năm gần đây thôi mà nhà đã ra cách sông chỉ vài mét. Không ngày mô là bầy tui không lo sông lấn vô nhà. Gần sông quá còn lo ba đứa con còn nhỏ dại bị rơi xuống sông...”. Con nước lớn của trận lũ kinh hoàng năm 2007 đã hất văng ngôi nhà của chị xuống sông. Chị lo căn nhà mới dựng lại sẽ không qua được mùa lũ năm nay. Người dân Quảng Hải cũng thấp thỏm ngày đêm không biết ngày mô là nhà mình ùm xuống sông.
Trước đây xã Quảng Hải có tổng diện tích tự nhiên 436ha. Hiện, trung bình mỗi năm xã bị mất từ 10-15ha do sông “ăn”. Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, không giấu được lo lắng, cho biết: “Xã đã kiến nghị lên trên nhiều lần, mong được hỗ trợ làm kè chống xói lở ở một số đoạn xung yếu, nhưng chưa được chấp thuận. Người dân phải tự trồng cây chắn sóng ven bờ sông nhưng cây lớn không kịp so với tốc độ sạt lở quá nhanh của sông”. Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, lắc đầu than thở: “Cả huyện còn nhiều xã ven sông Gianh bị sông xâm lấn. Trước mỗi mùa mưa bão, huyện chỉ biết chỉ đạo các địa phương luôn sẵn sàng cho bà con ở các vùng sạt lở ven sông Gianh chạy lũ và di dời khẩn cấp. Huyện cũng muốn chống sạt lở cho các xã dọc sông Gianh nhưng số tiền làm kè bờ sông lên tới hàng trăm tỉ đồng, huyện không có đủ kinh phí”.
Trên địa bàn huyện Tuyên Hoá các xã Văn Hoá, Châu Hoá, Cảnh Hoá, Mai Hoá... đang bị sông Gianh “ăn” vào đất liền ngày đêm. Mỗi năm hàng trăm ha đất nông nghiệp, đất thổ cư bị sông nuốt gọn. Nhiều con đường liên xã, liên thôn ở Đức Hoá, Văn Hoá, Châu Hoá đã “tiến” dần từ trong làng ra bờ sông. Tại thôn Kinh Trừng có 20 hộ, thôn Phúc Tùng có 5 hộ, thôn Bàu 2 có 12 hộ nằm trong diện phải sẵn sàng di dời khẩn cấp khi mưa bão đến. Thôn Thượng Phủ (xã Văn Hoá) có đến hơn 2km chiều dài dọc sông bị sạt lở nặng nề trong cả bốn mùa. Tuyến đường sắt Bắc-Nam qua xã Văn Hoá, có nơi như đoạn ở hầm chui Lệ Sơn hiện chỉ còn cách bờ sông Gianh chưa tới... 3m.
Toàn huyện Tuyên Hoá hiện có 500 hộ dân cần di dời vì sợ sạt lở sông. Ông Hồ Duy Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá, bộc bạch: “Huyện đã yêu cầu các xã báo cáo gấp tình hình sạt lở và số hộ phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão năm nay. Đồng thời chuẩn bị đất đai cho dân khi họ di dời cũng như hỗ trợ kinh phí di dời cho họ”. Ông Trần Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Đức Hoá, thì mong mỏi: “Ngoài hỗ trợ dân di dời khi có bão lũ, huyện và các cơ quan chức năng nên cấm khai thác cát ở lòng sông, cấm lấn chiếm bờ sông để làm hồ nuôi cá... may ra sông mới đỡ sạt lở”.
Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống bão lụt và quản lý đê điều của tỉnh, cho biết: “Diện tích đất bị sạt lở hằng năm là 60ha, nghĩa là gần bằng diện tích đất canh tác của một xã. 1.700 hộ dân trong diện phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão năm nay. Nhưng hầu như tỉnh và các địa phương đều không có kinh phí để thực hiện”./.