Khám sức khỏe định kỳ sau một năm cắt khối u buồng trứng tại Bệnh viện Hùng Vương, chị Thu, 53 tuổi, ngụ tại quận 8, TP HCM, bất ngờ nhận được kết quả siêu âm chỉ có một quả thận bên phải. Chị nghi ngờ đã bị cắt lấy nội tạng trong lúc phẫu thuật khối u buồng trứng.

Theo phản ánh của chị Thu, tháng 11/2007, chị được Trung tâm Y khoa Medic, TP HCM, khám sức khỏe và cho biết có khối u buồng trứng. Ngày 16/11, chị vào Bệnh viện Hùng Vương để điều trị. Các bác sĩ đã cắt trọn khối u và hoàn toàn tử cung. Chị xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.

Đến đầu tháng 10 năm nay, trong lần khám sức khỏe định kỳ, phiếu kết quả siêu âm phần niệu ghi chị không có thận trái. Bán tín bán nghi, chị Thu đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương siêu âm lại thì kết quả cũng tương tự.

Chị Thu hoang mang nghĩ rằng mình có thể bị trộm nội tạng trong lúc mổ khối u buồng trứng, bởi theo chị, nếu bản thân bị chứng teo thận bẩm sinh thì trong lần khám sức khỏe năm 2007, các bác sĩ Trung tâm Y khoa Medic đã phải phát hiện ra.

Chiều 3/12, trao đổi với báo chí, ông Trần Sơn Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết, có nhiều lý do và chứng cứ để thấy rằng, bệnh viện không thể cắt thận của bệnh nhân.

“Trước hết, do khối u buồng trứng quá to nên các xét nghiệm trước khi phẫu thuật, bệnh viện không phát hiện bệnh nhân có 1 hay 2 thận. Hơn nữa do không nằm trong chuyên khoa nên bệnh viện cũng không làm xét nghiệm liên quan đến thận”, ông Thạch nói.

Một chi tiết khác, muốn cắt thận phải thực hiện thêm 1 đường mổ khác ngoài đường mổ cắt khối u ở buồng trứng do bộ phận nằm ở một khoang khác phía trên ổ bụng, cách khối u khoảng 30cm. Cũng theo ông Thạch, mẫu bệnh phẩm lấy ra sau phẫu thuật hoàn toàn không phải quả thận mà là một bướu lành.

Căn cứ vào hồ sơ bệnh án và đường mổ mà Bệnh viện Hùng Vương, tiến sĩ Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng, việc cắt thận trong lúc phẫu thuật khối u buồng trứng là điều không thể xảy ra.

“Với việc gây tê tủy sống cục bộ như trong hồ sơ bệnh án, các bác sĩ bệnh viện Hùng Vương không thể cắt thận của bệnh nhân, vì muốn cắt thận bắt buộc phải gây mê. Thêm nữa, các tài liệu phẫu thuật pháp y từng xác định, không thể cắt thận bằng đường mổ dưới rốn”, ông Sinh nói.

Ông Sinh nhận định, có thể bệnh nhân rơi vào trường hợp khuyết thận bẩm sinh. Trên thế giới, tỷ lệ người có một quả thận 1/1.100, nam gần gấp đôi nữ. Họ vẫn sống tốt mà không hề biết mình chỉ có một thận.

Riêng việc Trung tâm Y khoa Medic siêu âm cho bệnh nhân vào năm 2007 và không phát hiện tình trạng thận của bệnh nhân, theo ông Sinh có thể do tỷ lệ sai số. Còn theo bác sĩ Thạch, khối u nhầy quá lớn (tương đương với bào thai 6 tháng tuổi) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc quan sát các cơ quan nội tạng khi siêu âm.

Việc tìm hiểu rõ, thận của bệnh nhân bị tật hay bị cắt, theo tiến sĩ Sinh, có thể thực hiện bằng một số thủ thuật chuyên môn, tuy nhiên điều này có hại đến sức khỏe của người bệnh.

Trước nghi ngờ của bệnh nhân, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Trần Sơn Thạch cho biết sẽ có văn bản giải thích cụ thể để bệnh nhân rõ./.