3 ngày trôi qua, với bao gia đình ở bản Chu Va 6 và Chu Va 8 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) là từng giờ, phút đau đớn khi mất đi người thân, gia đình.

Cả bản có vài chục gia đình, mọi việc rối ren cùng lúc, dù không họ hàng thân thích, nhưng không ai bảo ai, tự cắt cử nhau lo giúp việc tang ma, chăm sóc bệnh nhân bị thương nặng.

Chiều 26/2, anh Chảo A Sinh (29 tuổi, ở bản Chu Va 6) bị chấn thương cột sống đã được các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu tiến hành phẫu thuật. Nhà có 3 đứa con, đứa út còn nhỏ nên vợ anh không thể túc trực bên cạnh.

anh(2).jpg
Các bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện

Hai ngày nay, chị Chảo Thị Dỉa là người họ hàng đã lên đổi ca chăm sóc cho anh Sinh. Điều khiến anh Sinh xúc động là được chính quyền các cấp quan tâm, và được các bác sỹ ở tận Hà Nội đi máy bay lên Lai Châu mổ, cấp cứu kịp thời.

Anh Sinh nói: “Đảng, Nhà nước rất quan tâm, giúp đỡ phẫu thuật cho những người bị nạn. Tôi không biết nói thế nào, chỉ có lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, đã thương dân chúng tôi”.         

Chị Chảo Thị Dỉa cho biết, không chỉ có chị, mà các hộ gia đình trong bản đều cắt cử người giúp đỡ nhau. Nhà nào cũng gác lại việc gia đình đến giúp chôn cất người mất, động viên gia đình gặp nạn.

Dù chẳng khá giả, lại đang vào mùa giáp hạt nhưng nhà thì mang con gà, bát gạo đến giúp nhau lo tang ma chu đáo.

Những ngày này, con đường vào bản Chu Va 6 và Chu Va 8 đi đâu cũng gặp câu hỏi đong đầy nghĩa tình: “Nhà đã đỡ chưa?”

Câu hỏi bình dị ấy trong hoàn cảnh này bỗng hoá thành sức mạnh đoàn kết để vượt qua cơn đại nạn. 

Chị Chảo Thị Dỉa cho biết: “Những nhà có người chết, bị thương đều khó khăn lắm. Nhưng mọi người trong bản cùng giúp nhau, kể cả không quen mấy cũng đến giúp. Nhà nước còn quan tâm hỗ trợ cho các gia đình để lo chôn cất người đã chết. Còn người bị thương thì được chữa trị tận tình”.         

Đại gia đình ông Chang Páo Sử (anh trai anh Chang A Súa) - người đã mất trong đám tang có tới 8 người bị thương nặng phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, trong đó có cháu bé 3 tuổi cũng bị thương.

Đứng trước thảm cảnh này, gia đình, họ hàng không khỏi bối rối vì vừa lo người đưa ma anh Súa, lại phải thêm lực lượng chăm sóc người bị thương trê n tỉnh.

Hiểu được sự lo lắng của đại gia đình ông Súa, chính quyền địa phương đã cử lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tới cùng giúp gia đình đưa quan tài anh Súa lên bờ và đưa đi mai táng chu đáo theo phong tục của đồng bào.

Em Trang Thị Say (Sinh viên trường Đại học Y dược Thái Bình)- con gái ông Trang Páo Sử xúc động nói: “Gia đình rất đau buồn vì nhiều người bị nạn vì vậy mọi người trong gia đình phải chia nhau ra để chăm sóc bệnh nhân. Các em nhỏ thì được hàng xóm, thầy cô giáo đến động viên đi học. Mấy anh bên công an, quân đội đã lên giúp chôn cất chú em. Đó là động lực tinh thần giúp cho gia đình, mọi người yên tâm hơn để vượt qua khó khăn”.

Những ngày qua, Đảng, Chính Phủ cùng chính quyền và bà con địa phương đã luôn động viên, sẻ chia với nạn nhân trong vụ sập cầu Chu Va.

Chính phủ đã cử 2 chuyên cơ đưa 25 bác sỹ giỏi của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cùng nhiều cơ số thuốc lên hỗ trợ phẫu thuật cho những bệnh nhân nặng.

Trong 2 ngày qua, đã có 17 đoàn của Trung ương và địa phương tới thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn với tổng số tiền hơn 686 triệu đồng.

Sự quan tâm về vật chất, tinh thần là nguồn sức mạnh tiếp sức giúp đồng bào Chu Va sớm nguôi đi nỗi đau để ổn định đời sống và sản xuất./.