Các tỉnh Tây Nguyên có 51 hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong đó nhiều hồ tiểm ẩn nguy cơ cao như: Đắk Hnia, Đắk Hniêng, tỉnh Kon Tum; Đội 4, Hà Tam, tỉnh Gia Lai; Đội 14 , tỉnh Đắk Lắk; Thôn 2, tỉnh Lâm Đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Tính đến 16h ngày 5/11/2013): Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có 35 hồ, trong đó chỉ có hồ KaNak đang xả tràn với lưu lượng 20m3/s.
Trưa 6/11, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đã có mưa trên diện rộng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Theo dự báo đợt áp thấp nhiệt đới này có thể mạnh lên thành bão số 13, nên sáng nay, UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động triển khai công tác phòng chống lũ, bão.
Ông Đinh Văn Khiết – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc yêu cầu các đơn vị chức năng cần tập trung đặc biệt vào việc quản lý, vận hành các hồ chứa và công trình thủy lợi: “Đây là một nội dung rất quan trọng, trước tiên là phải kiểm tra an toàn hồ đập. Hiện nay chất lượng công trình hồ đập của chúng ta đang xuống cấp. Một số công trình thủy điện nằm dọc trên thượng nguồn này. Nếu không điều tiết, vận hành tốt thì nước đổ xuống hạ du rất nguy hiểm”.
Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, hiện vẫn còn 427 tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung với 6.700 lao động đang đánh bắt tại khu vực nguy hiểm giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa.
Các địa phương từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà cũng đã triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo đó, bắt đầu từ tối 5/11, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời hướng dẫn, kêu gọi các phương tiện đang đánh bắt trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lúc 16h ngày 5/11, tàu cá BĐ- 95566TS của ông Nguyễn Bình (trú tại xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị hỏng máy thả trôi tự do trên biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định báo cáo Uỷ ban quốc gia và tìm kiếm cứu nạn đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ tàu bị nạn.
Trung tá Nguyễn Văn Lĩnh - Trưởng ban Tác chiến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã liên lạc với 2 phương tiện đi cùng. Nhưng hiện này 2 tàu này cách tàu bị nạn rất xa. Chúng tôi đang vận động họ quay lại kéo tàu bị nạn vào đảo Trường Sa lớn hoặc về phía Nam để tránh bão”.
Tại tỉnh Phú Yên, đến sáng nay vẫn còn 22 tàu với 188 lao động đang hoạt động khu vực nguy hiểm trên biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tiếp tục liên lạc kêu gọi các tàu nhanh chóng tìm nơi tránh trú. Trong khi đó, hàng trăm phương tiện khác đã vào bờ hiện đang neo đậu phía bắc cửa biển Đà Diễn và dọc kè Bạch Đằng, sông Đà Rằng.
Nếu mưa lớn, các hồ thủy điện xả lũ, số tàu cá này có nguy cơ bị nứt neo, trôi ra biển như đã từng xảy ra trước đây.
Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên chỉ đạo cơ quan chức năng vận động bà con đưa số phương tiện sang cảng cá Đông Tác, thành phố Tuy Hoà trú tránh.
Các địa phương tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng tránh áp thấp nhiệt đới.
Đối phó áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão có diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống bão Trung ương yêu cầu các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời sớm hoàn thành sơ tán người dân, chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào bờ.
Đến 6h sáng nay, Bộ đội Biên phòng các địa phương tuyến biển đã thông báo và hướng dẫn cho 83.149 phương tiện biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng tránh.
Trong đó, từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu còn hơn 7.000 tàu đang di chuyển tránh trú, khu vực giữa biển Đông và quần đảo Trường Sa có 427 phương tiện. Bộ Quốc phòng đã có công điện yêu cầu đơn vị quân đội tăng cường phối hợp chính quyền địa phương các cấp chủ động sẵn sàng các phương tiện, lực lượng giúp đỡ người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát - Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công điện 1795 của Thủ tướng Chính phủ về đối phó cơn bão số 13, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động vùng ven biển và cửa sông, căn cứ tình hình cụ thể có thể thực hiện cấm biển từ hôm nay.
Bộ trưởng lưu ý các tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm ở biển Tây từ Cà Mau đến Kiên Giang. Người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chằng chống nhà cửa có biện pháp đảm bảo an toàn ở khu vực của cửa sông, ven biển, gần kênh rạch.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương theo dõi thông tin chỉ đạo để sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, những nơi có nguy cơ triều cường, sạt lở.
Công ty khai thác công trình thủy lợi canh trực, bảo đảm an toàn các hồ đập. Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng phân công trực 24/24h và chuẩn bị ngay các phương tiện cứu nạn, lực lượng, y tế sẵn sàng khi có lệnh.
Thông tin cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bão phải thường xuyên, liên tục cập nhật thông báo đến mọi người dân, tránh tình trạng chủ quan do bão./.