Sáng 4/2, tại Hà Nội, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức nuôi dưỡng và phát triển tổ chức Hội thảo vai trò của Quốc hội trong việc đảm bảo quyền trẻ em và vấn đề dinh dưỡng để phát triển.

Hội thảo là dịp để lãnh đạo và nghị sĩ đến từ các quốc gia châu Á họp mặt sau Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132, để công nhận vai trò quan trọng của các nghị sĩ trong việc thúc đẩy dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em và kỷ niệm 25 năm Công ước về Quyền Trẻ em. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự.

tre_em_1_kvys.jpgPhó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nhiều quốc gia châu Á đã cam kết với việc cải thiện vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em thông qua Công ước về Quyền Trẻ em (CRC), coi đây là một nhân quyền cơ bản. Mặc dù đã có sự đầu tư mạnh mẽ đến từ các quốc gia, song vấn đề dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong khu vực vẫn chưa thực sự được cải thiện. Sau 25 năm thực hiện Công ước về Quyền Trẻ em, vẫn còn ít nhất một nửa trẻ em tại 6 quốc gia Đông Nam Á bị thấp còi. Tình trạng thấp còi, hay tình trạng quá thấp so với tuổi, làm giảm khả năng phát triển thể chất, xã hội và nhận thức trong suốt giai đoạn tuổi thơ đến thời kỳ trưởng thành.

Quốc hội là cơ quan có vai trò then chốt trong việc đảm bảo quyền của trẻ em, nhất là hoạch định khuôn khổ pháp lý và là cơ quan giám sát thúc đẩy chính phủ trong việc thực thi chính sách pháp luật đã ban hành và đại diện kết nối với người dân, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân về những chính sách được triển khai. Quan trọng hơn, Quốc hội có vai trò thông qua ngân sách và pháp luật liên quan đến tài chính, thương mại và các chính sách huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu quyền con người nói chung, trẻ em và dinh dưỡng cho trẻ em nói riêng. Dinh dưỡng trẻ em là một trong những vấn đề quan trọng trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em vì một cộng đồng khỏe mạnh và một xã hội phát triển bền vững hơn.

Để đạt được mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của mỗi quốc gia, cần có sự hợp tác ở khu vực và toàn cầu. Những năm qua, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hệ thống Liên Hợp Quốc và khối tư nhân đã nỗ lực và tiếp tục hỗ trợ các quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển lên kế hoạch và cùng hành động để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em vì sự phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Trên lĩnh vực đảm bảo quyền của trẻ em, Quốc hội Việt Nam đã ban hành luật bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em, cam kết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, lồng ghép quyền trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em trong quá trình xây dựng pháp luật và giám sát thực hiện chính sách bảo vệ thúc đẩy quyền của trẻ em. Trong năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật tổ chức tòa án nhân dân xác định, tới đây sẽ thiết lập một thiết chế chuyên trách về tư pháp người chưa thành niên. Đó là thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niên ở tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Đây là thiết chế bảo vệ tốt hơn quyền của trẻ em.       

Tại Hội thảo, các nghị sĩ đã đưa ra những đề xuất và giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện những chính sách hỗ trợ cho dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ em của quốc gia mình; Thảo luận về việc các nhà hoạch định chính sách và nghị sĩ có thể hỗ trợ các gia đình như thế nào nhằm cải thiện vấn đề thực hành ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thực hành nuôi con bằng sữa mẹ; Hỗ trợ các gia đình bằng cách tăng cường pháp luật xung quanh Bộ luật Quốc tế về các Sản phẩm thay thế sữa mẹ (BMS Code) và bảo vệ thai sản./.