Với địa hình phức tạp, diện tích đồi núi chiếm hơn 90% tổng số diện tích tự nhiên nên vào mùa mưa, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất đá.
Trong 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, Sơn Tây là nơi có nhiều điểm sạt lở đất đá trong mùa mưa. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là trên địa bàn huyện hiện có nhiều công trình thi công dở dang. Đơn cử như dự án đường Đông Trường Sơn. Dọc bờ taluy âm và dương của tuyến đường này phần lớn không được kè bê tông, trong khi các chân đất ven đường quá yếu nên nguy cơ sạt lở rất lớn.
Những nơi không có nguy cơ sạt lở từ bờ taluy thì lại đối mặt với nguy cơ sạt lở đất từ núi cao. Những vết xói mòn từ cơn mưa đầu mùa trên bờ taluy ven đường tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây lo lắng: “Những công trình như đường Đông Trường Sơn đi qua huyện có taluy âm thường hay sạt lở, trong khi nhân dân thì ở dưới đường taluy âm nên huyện gặp khó khăn về nguồn vốn để khắc phục”.
Mùa mưa năm nay, huyện Sơn Tây đã xác định các điểm sạt lở nghiêm trọng sớm có biện pháp ứng phó, di dời dân. Mặc dù vậy, ở những tuyến đường mới làm địa chất chưa ổn định, khi mưa lớn kéo dài rất dễ xảy ra sạt lở, địa phương rất khó kiểm soát.
Ông Phạm Ngọc Khuyến, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cho biết: “Trong mùa mưa bão năm trước đã xảy ra sạt lở gây ách tắc nhiều điểm. Năm nay, tình hình cũng không có khả quan hơn. Hiện nay tất cả các điểm đều có nguy cơ sạt lở xã đã đưa vào phương án để có hướng khắc phục. Bên cạnh đó, xã cũng làm việc với các đơn vị thi công trên địa bàn có các phương tiện máy móc trực và cố gắng thông đường sớm khi có sạt lở xảy ra”.
Trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện còn 18 điểm sạt lở núi, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 200 hộ dân. Mùa mưa năm nay, huyện bố trí lực lượng canh gác, thường xuyên có mặt ở các nơi xung yếu để hỗ trợ người dân di dời khi có mưa lũ.
Ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: “Huyện đã tiến hành rà soát, đánh giá tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở cao và có biện pháp ứng phó kịp thời trong việc di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng. Còn việc đầu tư lâu dài thì dựa trên mọi nguồn lực của Trung ương, của tỉnh để sắp xếp, bố trí lại các khu dân cư”./.